Văn học thiếu nhi là một bộ phận hữu cơ của chỉnh thể đời sống văn học ở bất cứ quốc gia, nền văn học nào. Tuy nhiên, quan điểm đó hầu như chỉ xuất phát từ điểm nhìn của văn học thiếu nhi, tức tự mình khẳng định địa vị của mình. Không ít nhà nghiên cứu, nhà văn cảm thấy văn học thiếu nhi trong một khoảng thời gian nhất định ít được coi trọng, và do đó không được quan tâm tương xứng.
Một số tác phẩm văn học thiếu nhi đã được xuất bản. Ảnh: Internet |
Một dòng chảy lặng lẽ
Sự “ngoại biên” của văn học thiếu nhi được nhận thấy rõ nhất khi trong các giáo trình, tài liệu về lịch sử văn học Việt Nam hầu hết chỉ nói về văn học người lớn. Những sáng tác cho thiếu nhi thường chỉ được nhắc đến sơ lược trong phần tiểu sử hay sự nghiệp sáng tác của các tác giả nếu họ có viết mảng đề tài này. Nếu cần chọn ra những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam trong từng giai đoạn, gần như không có một nhà văn viết cho thiếu nhi nào được xướng tên, không hẳn vì không có nhà văn viết cho thiếu nhi có thành tựu, mà một phần vì tính chất “bên lề” của mảng văn học này. Trong một thời gian dài, các giải thưởng văn học uy tín và danh giá trong nước gần như không đoái hoài đến văn học thiếu nhi.
Mảng văn học này không được coi trọng còn được thể hiện ở chỗ có rất ít nhà văn xem văn học thiếu nhi như là sự nghiệp viết của mình (tất nhiên là trong sự đối sánh với lượng người viết cho người lớn). Lịch sử văn học thiếu nhi ghi nhận rất ít tên tuổi chuyên tâm viết cho các em.
Võ Quảng, Phạm Hổ là trường hợp ít ỏi đến mức trở nên hy hữu. Những nhà văn khác hoặc là viết cho người lớn nhưng tác phẩm lại phù hợp với các em (như trường hợp của Tô Hoài), hoặc song song trên cả hai mặt trận sáng tác thiếu nhi và người lớn. Việc ít có nhà văn theo đuổi con đường này có thể được giải thích từ hai lý do: viết cho trẻ em tuy dễ mà khó, và viết cho trẻ không thể mang lại cho họ nhiều danh vọng như viết cho người lớn. Một con đường vừa khó, vừa không được trọng vọng thì hẳn nhiên ít có sự hấp dẫn với người viết.
Đã được tiếp thêm sức mạnh
Từ năm 1995-2022, vị trí của văn học thiếu nhi trong bối cảnh đời sống văn học Việt Nam có sự thay đổi đáng kể khi nhận được nhiều sự quan tâm của hệ thống chính trị, nhà quản lý giáo dục và văn học nghệ thuật, nhà nghiên cứu, người viết và bạn đọc. Trước tiên là việc Hội Nhà văn luôn dành cho văn học thiếu nhi sự quan tâm nhất định.
Từ khi thành lập đến nay, trừ khóa 8 (tức là từ năm 2010-7/2015), Hội Nhà văn Việt Nam đều có Ban Văn học thiếu nhi. Đến khóa 10, Hội đồng Văn học thiếu nhi đã được thành lập bên cạnh các hội đồng thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật…
Động thái này của những người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam là hết sức cấp thiết nhằm thay đổi quan niệm văn học thiếu nhi là “bên lề”, “chiếu dưới”; đồng thời kêu gọi mọi người quan tâm đến mảng văn học này, thúc đẩy nó khởi sắc hơn sau một thời gian liên tục bị nhận xét là “khoảng trống”, “khát” tác phẩm và tác giả…
Một trong những hoạt động được tổ chức thường niên, dài hơi là tổ chức các cuộc vận động sáng tác và các cuộc thi viết cho thiếu nhi, có thể kể đến như: cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch được khởi xướng và kéo dài đến 8 mùa; Giải thưởng sáng tác truyện thiếu nhi “Đóa hoa đồng thoại” được Tập đoàn ENEOS đề xướng, Công ty TNHH ENEOS Việt Nam (ENEV) tài trợ, Công ty TNHH Quỹ Bắc Cầu tổ chức với sự bảo trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và sự đồng hành của NXB Kim Đồng; Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi kéo dài 5 năm (cuối 2021-5/2025); năm 2023, NXB Kim Đồng quyết định thành lập một giải thưởng lên đến 100 triệu đồng cho các sáng tác dành cho thiếu nhi mang tên Kim Đồng. Giải thưởng này sau khi được công bố đã tạo nên một cơn “địa chấn” trong giới sáng tác, đặc biệt là những người viết cho thiếu nhi.
Bên cạnh những cuộc vận động, các cuộc thi viết và các giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi trong thời gian gần đây cũng bắt đầu khẳng định được tên tuổi. Tiêu biểu nhất là sự ra đời của giải thưởng Dế Mèn do Báo Thể thao - Văn hóa phối hợp cùng TTXVN khởi xướng tổ chức thường niên từ năm 2020. Văn học thiếu nhi cũng được ngồi chung chiếu với văn học người lớn trong các giải thưởng.
Tại lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2023 của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tập tiểu luận phê bình văn học thiếu nhi Dòng chảy lấp lánh của Thanh Tâm Nguyễn đã được trao giải hạng mục Tác phẩm xuất sắc. Trong 5 năm gần đây, giải thưởng Sách Quốc gia (mà tiền thân là giải thưởng Sách hay Việt Nam) thường xuyên tôn vinh, ghi nhận sách cho thiếu nhi cho thấy việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua trang sách luôn được coi trọng.
Lĩnh vực nghiên cứu lý luận và phê bình văn học thiếu nhi trong mấy thập kỷ vừa qua cũng từng bước phát triển trong bầu không khí học thuật sôi động. Các công trình về văn học thiếu nhi kế tiếp nhau ra đời, tiêu biểu có thể kể đến Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975 của Lã Thị Bắc Lý, Hệ thống thể loại văn học thiếu nhi của Châu Mạnh Hùng và Lê Nhật Ký, luận án Sách thiếu nhi xuất bản ở Việt Nam từ năm 1954 đến nay với việc hình thành một số chuẩn mực văn hóa cho thiếu nhi của Lê Thanh Tình, luận án Thi pháp đồng dao và mối quan hệ với thơ thiếu nhi của Chu Thị Hà Thanh…
Các hội thảo chuyên biệt về văn học thiếu nhi được tổ chức bởi các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm văn hóa nghệ thuật ngày càng nhiều hơn, thu hút nhiều bài viết chuyên sâu, có giá trị lý luận và thực tiễn từ nhiều nhà nghiên cứu có tên tuổi trong và ngoài lĩnh vực văn học thiếu nhi. Đội ngũ nghiên cứu về văn học thiếu nhi ngày càng đông đảo với những gương mặt tiêu biểu như: Lã Thị Bắc Lý, Lê Nhật Ký, Nguyễn Thanh Tâm, Bùi Thanh Truyền, Châu Mạnh Hùng, Cao Thị Hảo, Trịnh Đặng Nguyên Hương, Hồ Hữu Nhật…
Để trở nên mạnh mẽ hơn
Có thể nói, tất cả những hoạt động trên đây chính là nguồn động lực lớn lao thúc đẩy văn học thiếu nhi Việt Nam từ một dòng chảy có phần lặng lẽ giờ đây trở thành một dòng chảy mạnh mẽ, sôi động không kém so với văn học dành cho người lớn. Đời sống văn học thiếu nhi được tiếp thêm sinh lực, đơm hoa kết trái và gặt hái được những mùa bội thu với khoảng 400 nhà văn, nhà thơ tham gia sáng tác cùng hàng ngàn tác phẩm ra đời, trong đó có những tác giả có sức sáng tạo dồi dào và bền bỉ (Nguyễn Nhật Ánh, Lê Phương Liên, Lê Hồng Thiện, Trần Đức Toàn, Nguyên Hương, Trần Hoài Dương, Thy Thy Tống Ngọc…) và cũng có những tác phẩm thành công vang dội về tính thương mại, chất lượng nghệ thuật (các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và Một thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần, Làm mèo của Trần Đức Tiến, Mùa tiểu học cuối cùng của Lê Văn Nghĩa…).
Dựa trên việc mỗi năm, hàng chục tác phẩm thiếu nhi Việt Nam được ra đời, có tác phẩm được tái bản ngay trong năm hoặc năm sau đó, nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, ngữ liệu đọc thêm cho học sinh các cấp…, chúng ta có thể khẳng định đời sống của mảng văn học này vẫn đang phát triển sôi động và hứa hẹn sẽ có nhiều tác phẩm, tác giả có thành tích cao trong thời gian tới. Và một khi đã khẳng định được giá trị của mình, địa vị văn học thiếu nhi trong đời sống văn học đương đại càng trở nên vững chắc, có thể đủ sức đứng cùng với văn học dành cho người lớn chứ không còn là một bộ phận văn học chịu cảnh lép vế như trước đây nữa.
BÍCH DUYÊN