Tình yêu và mạch nguồn thơ Đường luật của người đất Phú

Chủ nhật - 05/07/2020 06:48
Lần giở kho tàng văn học Việt Nam, có thể thấy thơ ca là một vườn hoa đa sắc màu, với nhiều thể loại, trong đó thơ Đường luật là một thể tài gắn trong suốt một thời gian dài của dòng chảy lịch sử, gắn liền với những danh nhân hào kiệt, tao nhân mặc khách.

Lần giở kho tàng văn học Việt Nam, có thể thấy thơ ca là một vườn hoa đa sắc màu, với nhiều thể loại, trong đó thơ Đường luật là một thể tài gắn trong suốt một thời gian dài của dòng chảy lịch sử, gắn liền với những danh nhân hào kiệt, tao nhân mặc khách.

 

Đó là những Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh…, hay Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, gần hơn là Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Tú Xương… đều để lại những bài thơ Đường luật nổi tiếng.

 

Từ Đường thi đến thơ Đường luật Việt Nam

 

Thơ Đường bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng thịnh hành từ thời nhà Đường - Trung Quốc. Triều đại nhiều biến động ấy kéo dài gần 3 thế kỷ, từ năm 618-907 và đã xuất hiện nhiều tên tuổi lớn, ghi dấu ấn sâu đậm trong nền văn học Trung Hoa.

 

Trong suốt thời gian dài từ thời phong kiến cho đến hiện đại, bất kỳ người Việt Nam nào yêu thơ văn nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung đều có thể đọc tên một vài bài thơ, một vài tác giả nổi tiếng thơ Đường. Đó là những Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu), Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị), Hiệp khách hành (Lý Bạch), Thạch Hào lại (Đỗ Phủ), Phong Kiều dạ bạc (Trương Kế)…

 

Cho đến những bài thơ Đường hoàn toàn Việt hóa như bản tuyên ngôn bất hủ Nam quốc sơn hà (năm 1076) của Lý Thường Kiệt, Cáo tật thị chúng (năm 1096) của Mãn Giác thiền sư, cho đến sau này là: Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Mời trầu (Hồ Xuân Hương), Qua đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến) và tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Những tác phẩm thơ Đường luật đó đều mang nặng hồn cốt, tư duy nghệ thuật của người Việt Nam.

 

Không có tài liệu nào nói về thời gian du nhập thơ Đường vào Việt Nam, nhưng nếu lấy tuyên ngôn độc lập bằng thơ Nam quốc sơn hà để tạm thời xét mốc thời gian thì có thể thấy, thơ Đường du nhập vào nền thi ca Việt Nam từ trước thế XI rất lâu mới có thể hòa trộn, nhuần nhuyễn và phát triển lên tới đỉnh cao như vậy.

 

Thơ Đường luật Việt Nam có một chiều dài phát triển đồng hành cùng thi nhân, văn chương Việt Nam, một thể tài đặc biệt trong quá trình tiếp biến và chuyển hóa văn học Trung Hoa. GS Vũ Khiêu nêu triết lý Việt hóa về thơ Đường: “Đây là thơ Việt Nam, thể hiện tâm hồn Việt Nam, cảm xúc Việt Nam và phản ánh hiện thực Việt Nam. Còn về kỹ thuật chỉ sử dụng thể loại tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú thời Đường, dù là viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm... nhưng đều là thơ Đường Việt Nam”.

 

Thơ Đường gồm rất nhiều thể, dạng, nhưng ở Việt Nam chỉ thịnh hành các thể loại chính: Thất ngôn bát cú (tám câu, mỗi câu bảy chữ), thất ngôn tứ tuyệt (bốn câu, mỗi câu bảy chữ), ngũ ngôn tứ tuyệt (bốn câu, năm chữ), ngũ ngôn bát cú (tám câu, năm chữ)... Đây cũng là kết quả của sự chọn lọc trong tiếp biến văn hóa cho phù hợp. Trong quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa Trung Hoa suốt ngàn năm bắc thuộc cho đến khi đất nước thật sự độc lập, ông cha ta đã tỏ rõ sự độc lập, tự chủ trong việc tiếp thu sàng lọc nền văn học nổi tiếng phương Đông trên bình diện nghệ thuật ngôn ngữ và văn hóa. Sự tiếp tiến và chuyển hóa một cách sáng tạo, ngoạn mục mà vẫn tạo được nét độc đáo riêng có, đúng bản chất Việt Nam.

 

Tình yêu thơ Đường của người xứ Nẫu

 

Phú Yên là vùng đất hiền hòa, người dân cần cù, chân chất, thân thiện, nghĩa tình từ thuở ban sơ cùng Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh mở đất, trấn biên vùng biên viễn. Theo sử sách, từ những thế kỷ trước, tinh thần và phong trào thơ ca vẫn như mạch nguồn tuôn chảy, đã xuất hiện những: Sầm Sơn thi xã của Lương Văn Cang, Tụ Hiền Trang ở huyện Đồng Xuân, Tam Thai thư viện của nhóm trí thức Bàu Hương (Hòa Mỹ, Hòa Phong, huyện Tây Hòa), nhóm thơ Núi Nhạn của Đốc học Trần Sĩ... Người Phú Yên yêu thơ ca bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ diệu và tính tri gia trọng nghĩa, quý bạn hiền. Từ rất sớm, người đất Phú đã lấy tên nhà thơ Tản Đà, người đã từng đến và có thơ về vùng đất này, Đa tình con mắt Phú Yên, để đặt tên cho con đường chính của phủ Tuy Hòa xưa ngay cạnh chân núi Nhạn - Sông Đà nên thơ, gần với trung tâm phủ đường vào những năm 1938. Nơi đây cũng đã từng đón nhiều nhà thơ trong nước qua lại ghé thăm, trong đó có vợ chồng thi sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết (nữ sĩ Thất Tiểu Muội). Họ đã lưu lại nghĩa tình bằng những vần thơ:

 

Nửa thế kỷ rồi qua Phú Yên

Sông Đà - Núi Nhạn nước non tiên

Bài thơ tương thức tình tương ngộ

Trọng nghĩa tri giao quý bạn hiền.

             (Qua Phú Yên - Mộng Tuyết)

 

Trong mạch nguồn phát triển và tình yêu thơ ca, những người Phú Yên yêu thơ Đường luật luôn trăn trở về một tổ chức tập hợp những người cùng sở thích. Năm 2009, được sự đồng ý và bảo trợ của Hội Thơ Đường luật Việt Nam (Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) và Trung tâm UNESCO về bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam, những người yêu thơ Đường xứ Nẫu thành lập CLB UNESCO thơ Đường Việt Nam Phú Yên, Chi hội UNESCO thơ Đường luật Phú Yên.

 

Đứa con tinh thần mà những người yêu thơ Đường luật và văn chương Việt Nam xứ Nẫu đã sản sinh và nuôi dưỡng không ngừng lớn mạnh, lan tỏa đến thi hữu khắp trong nước đó là Tập san Đường luật Phú Yên, xuất bản lần đầu tiên năm 2009-2018 được 8 số, sau đó chuyển tiếp, đổi tên thành Tập san Non nước Phú Yên. Sự ra đời của Tập san Non nước Phú Yên đánh dấu một bước trưởng thành trong sáng tác thơ Đường luật cùng các nghiên cứu, khảo cứu các vấn đề về văn chương, văn hóa dân tộc, đất và người Phú Yên. Tập san Non nước Phú Yên mỗi năm xuất bản 4 kỳ (mỗi quý một kỳ), đến nay xuất bản đến số 15, có sự tham gia của nhiều tác giả trong cả nước. Mới đây, các thành viên đã tập hợp và ra mắt bạn đọc hai tập thơ: Thơ Đường luật Phú Yên (tập 9) và Tình thơ Xứ Nẫu - Phú Yên đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

 

Mơ buổi tương phùng đó Nẫu ơi! 

Mùa xuân đang tỏa ánh dương ngời

Tri âm bốn biển xin về lại

Thi hữu ba miền hãy ghé chơi

Dưới nguyệt nâng đàn chờ nguyệt tỏa

Kề hoa trau bút đợi hoa cười

Sông Đà - Núi Nhạn ru tình bậu

Biển hát ru đời mãi mãi tươi

(Gửi bạn mùa xuân, tác giả Nguyễn Công Đức, in trong tập Thơ Đường luật Phú Yên - NXB Hội Nhà văn 2019).

 

TRẦN QUỚI - NGUYỄN VĂN HƯNG

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp