* Phát hiện con đường xâm nhập khác của SARS-CoV-2 vào cơ thể người
Ngày 21/10, giới chức y tế Brazil thông báo một tình nguyện viên tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 đã tử vong. Đây là vắcxin được phát triển bởi tập đoàn dược AstraZeneca và trường Đại học Oxford.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, đây là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận trong nhiều chương trình thử nghiệm lâm sàng các loại vắcxin ngừa COVID-19 đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tử vong của tình nguyện viên này là do vắcxin hay giả dược. Tình nguyện viên trên là một bác sĩ 28 tuổi làm việc ở tuyến đầu trong chiến dịch phòng chống đại dịch COVID-19 tại Brazil.
Nhật báo O`Globo và Bloomberg tiết lộ bác sĩ này nằm trong nhóm đối chứng (những người dùng giả dược) trong quá trình thử nghiệm.
Mặc dù vậy, thông báo của Trường đại học Oxford cho biết “tất cả các sự cố y tế lớn, cho dù những người tham gia nằm trong nhóm đối chứng (những người dùng giả dược) hay trong nhóm được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, đều được xem xét một cách độc lập”.
Thông cáo cũng nhấn mạnh sau khi đánh giá một cách kỹ lưỡng trường hợp tại Brazil nói trên, cơ quan chức năng kết luận không có sự lo ngại nào về tính an toàn trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và đánh giá độc lập của cơ quan giám sát Brazil cũng khuyến nghị có thể tiếp tục quá trình thử nghiệm.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố nước này sẽ không mua loại vắcxin ngừa COVID-19 do công ty dược Sinovac của Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất mặc dù trước đó một ngày, Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello thông báo sẽ mua 46 triệu liều để sử dụng rộng rãi sau khi thử nghiệm lâm sàng thành công và được cấp phép tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong một thông điệp trên mạng xã hội, Tổng thống Bolsonaro khẳng định Chính phủ Brazil không thể cam kết mua một loại vắcxin mà hiệu quả và tính an toàn chưa được Bộ Y tế nước này kiểm chứng, cũng như chưa được Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia cấp phép.
Loại vắcxin mang tên CoronaVac đang được tập đoàn Sinovac hợp tác với Viện Butantan thuộc bang Sao Paolo thử nghiệm lâm sàng tại Brazil theo thỏa thuận với Thống đốc Joao Doria, một đối thủ chính trị của ông Bolsonaro. Chính vì vậy, dư luận cho rằng quyết định của Tổng thống Bolsonaro còn mang yếu tố chính trị.
* Các nhà nghiên cứu của Úc và đồng nghiệp quốc tế đã phát hiện con đường xâm nhập khác của virus SARS-CoV-2 vào cơ thể người, qua đó có thể giúp làm sáng tỏ nguyên nhân khiến tỷ lệ lây nhiễm của virus này cao hơn các virus khác cùng chủng loại.
Lâu nay, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được biết đến đã sử dụng thụ thể ACE2 để xâm nhập cơ thể người thông qua việc liên kết protein với thụ thể.
Tuy nhiên, trong hai nghiên cứu công bố ngày 21/10, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland ở Úc và các đồng nghiệp ở châu Âu đã phát hiện virus SARS-CoV-2 có thể sử dụng một thụ thể khác, có tên gọi là neuropilin, để xâm nhập cơ thể người.
Theo Giáo sư Brette Collins thuộc Viện Sinh học phân tử của Đại học Queensland, ngoài thụ thể ACE2 đã biết, virus SARS-CoV-2 còn liên kết với thụ thể thứ 2 trên cơ thể người, mang tên neuropilin.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tinh thể học tia X để xem cấu trúc protein ở cấp độ nguyên tử và hình dung các vị trí liên kết ở mức độ chi tiết. Thực tế các kháng thể ngăn chặn thụ thể neuropilin NRP1 có thể ngăn chặn lây nhiễm lên đến 40%.
Điều này cho thấy neuropilin chính là con đường lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. NRP1 được tìm thấy trong nhiều loại tế bào của con người, có thể giải thích nguyên nhân vì sao virus SARS-CoV-2 cũng có thể ảnh hưởng tới tế bào não của người cùng những tác động lâu dài.
Các nhà nghiên cứu khẳng định việc phát hiện NRP1 liên kết với virus SARS-CoV-2 đã mở cánh cửa để có thể nghiên cứu sâu hơn về khả năng virus xâm nhập các mô thần kinh, cũng như các liệu pháp điều trị mới.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)