Tây Ban Nha là quốc gia đầu tiên trong EU có số ca mắc vượt 1 triệu

Thứ năm - 22/10/2020 04:07
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 22/10 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận gần 41,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.135.637 ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 22/10 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận gần 41,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.135.637 ca tử vong.

 

Số bệnh nhân phục hồi là 30.852.179 người, trong khi vẫn còn hơn 74.000 ca nguy kịch. Mỹ vẫn quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với 8.581.674 ca nhiễm và 227.349 ca tử vong. Trong 24 giờ qua nước này ghi nhận hơn 60.000 ca mắc mới, cao nhất thế giới, và 1.165 ca tử vong.

 

Tiếp sau Mỹ là Ấn Độ có 7.705.158 ca nhiễm và 116.653 ca tử vong. Trong 24 giờ qua Ấn Độ ghi nhận gần 56.000 ca mắc mới, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.

 

Brazil đứng thứ ba thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ về số ca mắc COVID-19. Với 25.832 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, đến nay Brazil đã ghi nhận tổng cộng 5.300.649 ca mắc và 155.459 ca tử vong.

 

Trong khi đó, Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vượt 1 triệu người.

 

Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố ngày 21/10, trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 16.973 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.005.295 ca, trong đó 34.366 ca tử vong.

 

Như vậy, quốc gia 47 triệu dân này đã trở thành nước thứ 6 trên thế giới vượt qua mốc 1 triệu ca mắc, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Argentina.

 

Mặc dù làn sóng dịch bệnh mới ở Tây Ban Nha chưa rơi vào tình trạng nghiêm trọng như thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, trong đó trung bình mỗi ngày ghi nhận hơn 800 ca tử vong, nhưng các nhân viên chăm sóc y tế cảnh báo rằng làn sóng dịch mới một lần nữa có thể khiến hệ thống y tế quá tải.

 

Để giảm thiểu tốc độ lây nhiễm hiện nay, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết đang cân nhắc một số biện pháp mới, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm như Pháp và Bỉ đang áp dụng hiện nay.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Salvador Illa nói: "Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều tuần khó khăn phía trước, khi mùa đông đang tới, làn sóng dịch thứ hai không phải là mối đe dọa nữa mà là thực tế đang diễn ra trên khắp châu Âu".

 

Theo kế hoạch, Bộ Y tế Tây Ban Nha sẽ triệu tập cuộc họp với các đại diện chính quyền các vùng của nước này trong ngày 22/10 để thảo luận kế hoạch đối phó với dịch bệnh.

 

Theo bộ trên, số ca mắc mới COVID-19 tại Tây Ban Nha đã tăng mạnh trở lại kể từ khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ hoàn toàn hồi cuối tháng 6.

 

Cũng như nhiều nước châu Âu khác, tình hình dịch COVID-19 ở Đức tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, theo đó trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao kỷ lục.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong 24 giờ qua Đức ghi nhận 10.457 ca mắc mới COVID-19, con số cao nhất kể từ đầu dịch. Số ca tử vong cũng tăng thêm 44 người. Như vậy, tính từ đầu dịch đến nay Đức đã ghi nhận tổng cộng khoảng 386.000 ca mắc COVID-19, với 9.886 ca tử vong.

 

Trừ các trường hợp đã bình phục, hiện Đức còn khoảng 79.256 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Chỉ số lây nhiễm trong vòng 7 ngày hiện là 1,17, nghĩa là 100 bệnh nhân lây nhiễm cho 117 người khác.

 

Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết tính đến sáng 21/10, có tới 1/3 trong tổng số 400 thành phố và huyện thị trên cả nước Đức là điểm nóng của virus, với số lây nhiễm vượt giới hạn 50 ca nhiễm mới/100.000 dân trong vòng 7 ngày.

 

Tại Berlin, số ca nhiễm mới trong ngày 21/10 cũng tăng cao kỷ lục, với 971 ca, tăng 350 ca so với ngày trước đó, và hiện ở thủ đô Berlin có 12/16 quận là điểm nóng COVID-19.

 

Trong số các điểm nóng dịch bệnh này ở Đức, huyện Berchtesgaden thuộc bang Bayern có mức lây nhiễm cao nhất, với trên 262 trường hợp/100.000 dân trung bình trong 7 ngày, tiếp đó là TP Delmenhorst (bang Niedersachsen) với 205 ca và hai quận Neukolln cùng Mitte của Berlin ở mức từ 160-188 ca.

 

Trước xu hướng dịch ngày càng nghiêm trọng, nhiều bang ở Đức đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng ngừa, như mở rộng quy định đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trong không gian kín cũng như ở ngoài trời.

 

Tuy nhiên, quy định phòng ngừa dịch do Chính phủ liên bang Đức đưa ra được áp dụng khác nhau tại các bang mà không theo một quy chuẩn thống nhất. Đáng lo ngại là hiện ở nhiều địa phương, đội ngũ y tế đã quá tải do thiếu nhân lực, dẫn tới việc không thể truy vết tiếp xúc của người nhiễm bệnh.

 

Trong khi đó tại Cộng hòa Czech, ngày 21/10, chính phủ nước này đã quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa do lo ngại hệ thống y tế bị quá tải và tình hình mất kiểm soát trong thời gian tới.

 

Phát biểu sau khi quyết định trên được đưa ra, Thủ tướng Czech Andrej Babiš nêu rõ: “Trước hết và quan trọng nhất, chúng ta cần bảo vệ sức khỏe của người dân. Nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp này, hệ thống y tế sẽ khủng hoảng".

 

Theo Thủ tướng Andrej Babiš, Czech đã đề nghị sự trợ giúp từ bên ngoài để đối phó với dịch bệnh, và 28 bác sĩ quân y từ Mỹ sẽ đến hỗ trợ. Các biện pháp hạn chế mới sẽ có hiệu lực từ 6 giờ ngày 22/10 đến hết ngày 3/11.

 

Chính phủ Czech đã ra lệnh đóng cửa hầu hết các cửa hàng và dịch vụ, đồng thời hạn chế hoạt động đi lại nhằm ngăn chặn số ca mắc mới COVID-19 tăng cao tại nước này. Người dân sẽ không được tập trung từ 2 người trở lên, ngoại trừ là thành viên gia đình hoặc đồng nghiệp. Tuy nhiên, các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, cũng như dịch vụ và các cửa hàng bán các mặt hàng thiết yếu khác vẫn mở cửa.

 

Tính đến ngày 21/10 Czech đã ghi nhận tổng cộng gần 194.000 ca mắc COVID-19, với hơn 1.600 ca tử vong.

 

L.H (tổng TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp