Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới hiện đang ở trong giai đoạn "rất nghiêm trọng" của đại dịch COVID-19. Theo đó, tình hình lây lan trong vài tháng tới sẽ còn tiếp tục gia tăng không ngừng khiến nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng sụp đổ hệ thống y tế do quá tải.
Phát biểu trong một buổi họp báo ngày 23/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyeusus khẳng định: “Chúng ta đang ở trong thời điểm quan trọng của đại dịch này, đặc biệt là những quốc gia ở Bắc bán cầu. Vài tháng tới sẽ là thời gian rất khó khăn và một số quốc gia đang nằm trên vùng quỹ đạo nguy hiểm. Quá nhiều quốc gia đang phải chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân và điều đó đang dẫn đến việc các bệnh viện và phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) phải hoạt động với công suất cao”.
Bên cạnh đó, ông Ghebreyeusus cũng cảnh báo, với đà phát triển hiện nay, nhiều quốc gia thời gian tới sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải, gây ra sự sụp đổ hệ thống y tế công cộng. Do đó, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng gia tăng tỉ lệ tử vong, sụp đổ của hệ thống y tế thông qua các biện pháp phòng dịch như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly… nhằm giúp các quốc gia tránh được khả năng phải phong tỏa lần 2. Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã khiến hơn 42,4 triệu người mắc bệnh và hơn 1,1 triệu ca tử vong, trong đó các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil dẫn đầu về số ca mắc.
Trước đó, ngày 23/10, cố vấn khoa học của Chính phủ Pháp Arnaud Fontanet cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan với tốc độ nhanh hơn so với đợt bùng phát đầu tiên vào mùa xuân năm nay.
Trả lời phỏng vấn, chuyên gia dịch tễ học Fontanet nhận định đại dịch đã bùng phát trở lại từ tháng 8 và cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ là "một cuộc đua marathon".
Theo ông Fontanet, việc nhà chức trách Pháp kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 6 và duy trì số người nhập viện thấp cho đến cuối tháng 8 đã tạo ra cảm giác an toàn sai lầm. Đợt lạnh trong tháng 9 đã khiến virus nhanh chóng lây lan khắp châu Âu do mọi người có xu hướng ở trong các không gian kín nhiều hơn.
Ông Fontanet cảnh báo các bệnh viện và nhân viên y tế sẽ lại rơi vào tình trạng khủng hoảng như giai đoạn đỉnh dịch từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 năm nay.
Giống như các chuyên gia y tế khác, ông Fontanet cho biết các biện pháp ngăn ngừa phải mất khoảng hai tuần để phát huy tác dụng. Trong khi đó, người đứng đầu hệ thống các bệnh viện công ở thủ đô Paris (AP-HP), Martin Hirsch cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể nghiêm trọng hơn đợt một.
Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân phải điều trị tích cực tại các bệnh viện của AP-HP hiện là 62. Theo ông, số ca nhiễm trên thực tế có khả năng cao hơn con số chính thức, do những người không có biểu hiện không được xét nghiệm.
Lời cảnh báo trên được đưa ra một ngày sau khi Pháp thông báo đã ghi nhận 41.622 ca nhiễm mới, mức kỷ lục theo ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 999.043 ca.
Dự báo tổng số ca nhiễm tại Pháp sẽ vượt 1 triệu người trong ngày 23/10, trở thành quốc gia Tây Âu thứ hai có số ca nhiễm cao như vậy sau Tây Ban Nha. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp là 34.210 ca.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới mới kể từ đầu tháng 9, Pháp đã tăng cường các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, như mở rộng lệnh giới nghiêm đối với 2/3 dân số thay vì chỉ áp đặt tại 9 thành phố, trong đó có thủ đô Paris.
L.H (tổng hợp từ VOV, Vietnam+)