Chủ đề COVID-19, chăm sóc y tế làm "nóng" cuộc tranh luận Trump - Biden

Thứ sáu - 23/10/2020 10:07
Hai ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bước lên sân khấu để bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Đại học Belmont ở TP Nashville, bang Tennesse, vào sáng 23/10 (giờ Việt Nam).

Hai ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bước lên sân khấu để bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Đại học Belmont ở TP Nashville, bang Tennesse, vào sáng 23/10 (giờ Việt Nam).

 

Tương tự cuộc tranh luận đầu tiên, không có cái bắt tay giữa hai đối thủ do những biện pháp hạn chế chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hai ứng cử viên gật đầu chào nhau và duy trì khoảng cách 4m.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, chủ đề đầu tiên mà đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden tranh luận là đại dịch COVID-19. Người điều phối Kristen Welker đã đề cập tới tuyên bố của Tổng thống Trump về việc Mỹ sẽ có vắcxin phòng COVID-19 "trong vài tuần tới" và đặt câu hỏi liệu đây có phải là sự đảm bảo về thời điểm ra mắt vắcxin hay không.

 

Tổng thống Trump cho biết "đó không phải là một sự đảm bảo, nhưng tôi nghĩ sẽ có vắcxin vào cuối năm nay”. Dù bà Welker lưu ý rằng theo các chuyên gia, sẽ mất nhiều tháng trước khi vắcxin phòng COVID-19 được phổ biến rộng rãi và việc tuân thủ các quy tắc an toàn như đeo khẩu trang vẫn cần thiết từ nay cho đến năm 2021, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Tôi nghĩ khung thời gian của tôi sẽ chính xác hơn".

 

Đương kim Tổng thống cũng xoáy vào việc ứng cử viên Biden ủng hộ các bang đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn dịch bệnh, cho rằng điều này gây tổn hại cho cuộc sống của người dân. Ông khẳng định không thể coi việc đóng cửa đất nước giống như việc ông Biden tự “nhốt mình” trong tầng hầm, đồng thời lập luận ngay cả khi ông Biden khẳng định ủng hộ việc tuân thủ các tiêu chuẩn để mở cửa hoặc áp dụng các hạn chế mới thì các thống đốc bang đảng Dân chủ vẫn duy trì tình trạng đóng cửa quá mức.

 

Theo Tổng thống Trump, trọng tâm của giải pháp là nên tập trung vào việc bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là người cao tuổi.

 

Về phần mình, ứng cử viên Biden bày tỏ hoài nghi về khung thời gian triển khai vắcxin phòng COVID-19 của Tổng thống Trump, cho rằng chính quyền hiện tại không có kế hoạch rõ ràng và toàn diện trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

 

Ứng cử viên Đảng Dân chủ dự đoán Mỹ sắp bước vào một "mùa Đông đen tối", khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại hàng chục bang trên cả nước. Ông cũng viện dẫn số liệu cho thấy đã có khoảng 220.000 người Mỹ tử vong do COVID-19, phản ánh cách thức xử lý dịch bệnh không hiệu quả của chính quyền.

 

Ông Biden cũng thực hiện đúng chiến lược mà các nhà quan sát đưa ra trước cuộc bầu cử, đó là nêu bật sự tương phản trong cách thức xử lý đại dịch giữa ông và Tổng thống Trump, theo đó ông sẽ tập trung vào việc thúc đẩy người dân đeo khẩu trang và xét nghiệm virus SARS-COV-2 nhanh hơn.

 

Ông nêu rõ: "Tôi sẽ 'cấm cửa' virus chứ không đóng cửa đất nước". Ông Biden cũng khẳng định sẽ đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia  để có thể mở cửa các trường học và giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại một cách an toàn, đồng thời cung cấp cho họ nguồn lực tài chính.

 

Không khí tiếp tục nóng lên khi hai ứng cử viên tranh luận về vấn đề tài chính cá nhân. Tổng thống Trump cho rằng ông Biden đã làm giàu từ những lợi thế trước đây của mình khi giữ chức vụ cao trong chính quyền Mỹ.

 

Tuy nhiên, ông Biden đã lưu ý rằng ông đã công bố hồ sơ thuế trong hơn hai thập kỷ và không có bằng chứng nào chứng minh cho khẳng định trên của ông Trump. Cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng khẳng định chưa nhận bất kỳ nguồn tiền nào từ nước ngoài, đồng thời thách thức Tổng thống Trump công khai hồ sơ thuế.

 

Cuộc tranh luận chuyển sang vấn đề chủ đề an ninh quốc gia, với câu hỏi đầu tiên của người điều phối Welker là về nguy cơ nước ngoài can thiệp bầu cử Mỹ. Ứng cử viên Biden tuyên bố bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ sẽ "phải trả giá".

 

Khi được hỏi về cách thức đối phó với sự can thiệp bầu cử trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng Trump chuyển hướng sang các chi tiết về các giao dịch của ông Hunter Biden, con trai ông Biden, với Ukraine.

 

Liên quan tới vấn đề chăm sóc y tế, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng Tòa án Tối cao sẽ hủy bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, còn gọi là Obamacare. Về phần mình, ông Biden cho biết nếu đắc cử tổng thống, ông ủng hộ Obamacare cùng với quyền được lựa chọn của người dân, gọi kế hoạch của ông là "Bidencare".

 

Ứng cử viên Đảng Dân chủ cũng nhấn mạnh ông ủng hộ bảo hiểm tư nhân, nêu rõ "chăm sóc sức khỏe không phải là đặc quyền, đó là quyền. Mọi người đều có quyền được chăm sóc sức khỏe hợp lý".

 

Giới quan sát nhận định trong khoảng 30 phút đầu tiên, cuộc tranh luận diễn ra khá trật tự. Cả hai ứng cử viên liên tục công kích nhau nhưng hiếm khi xảy ra hành động ngắt lời nhau. Điều này phần nào cho thấy việc tắt micro dường như phát huy hiệu quả.

 

Sau khi kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vào sáng cùng ngày. Đánh giá về sự kiện này, Giáo sư James Borton, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Ngoại giao khoa học thuộc Đại học Tuft (Mỹ) cho rằng hai chính khách đã bộc lộ những thế mạnh và điểm yếu của mình cùng quan điểm rõ ràng. Tuy nhiên, ông cũng nhận định "màn so găng" này sẽ không tác động nhiều tới quyết định của các cử tri.

 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Mỹ cùng ngày sau sự kiện, giáo sư Borton cho rằng cuộc tranh luận này mang sắc thái của một cuộc tranh luận thông thường và người điều hành (phóng viên Kristen Welker của hãng tin NBC News) đã đạt được điểm B+ trong kiểm soát nhịp độ.

 

Tổng thống Trump đã thể hiện thái độ điềm tĩnh hơn, trong khi ông Biden không phản ứng nhanh như cần thiết trong một số vấn đề. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã không thể tung ra một cú “knock-out” và không thúc đẩy được chương trình nghị sự chính trị của mình. Điểm nhấn của Tổng thống Trump là xoáy vào các mục tiêu dang dở của đối thủ Biden trong 8 năm trên cương vị "phó tướng" của người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Brack Obama.

 

Với từng chủ đề, giáo sư Bolton đánh giá mức D cho Tổng thống Trump và B- cho ông Biden trong vấn đề xử lý đại dịch COVID-19; lần lượt các mức C và B- trong vấn đề an ninh quốc gia.

 

Với chủ đề về gia đình và nền kinh tế Mỹ, theo giáo sư Borton, cựu Phó Tổng thống Biden xứng đáng nhận được mức đánh giá A-, trong khi Tổng thống Trump đạt mức C.

 

Theo giáo sư, Tổng thống Trump đã không có cách nào để khiến người dân có mức sống trung bình ở Mỹ cảm thấy tin tưởng hơn về tương lai và khả năng tài chính của gia đình họ. Liên quan tới chính sách nhập cư, giáo sư Borton nhận định Tổng thống Trump không cho thấy sự đồng cảm để tạo kết nối với các gia đình người nhập cư. Ông đánh giá Tổng thống Trump ở mức C+ và ông Biden đạt mức B.

 

Trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, theo giáo sư Borton, ứng cử viên Đảng Dân chủ đã cố gắng gửi đi thông điệp về phát triển năng lượng tái tạo, trong khi Tổng thống Trump vẫn theo đuổi lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt đi kèm cam kết về những chính sách tích cực hơn về môi trường. Ở mục này, giáo sư dành mức B- cho ông Biden và mức C cho Tổng thống Trump.

 

Đánh giá tổng quan, giáo sư Borton cho rằng kết quả cuộc tranh luận cuối cùng này sẽ không làm thay đổi lựa chọn trên lá phiếu của cử tri Mỹ hôm 3/11 tới. Từ bây giờ tới giờ G, nhiều khả năng ứng cử viên Biden sẽ duy trì vị trí dẫn trước với cách biệt khoảng 10% so với Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò dư luận.

 

Theo ông, cuộc bầu cử sắp tới có thể kết thúc với một kết quả sít sao và cũng không loại trừ kịch bản tên người đắc cử sẽ chỉ được công bố một tuần sau đó hoặc lâu hơn nữa.

 

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp