Ở quê tôi, cây gòn không ai ươm trồng nhưng gần như thôn nào cũng có. Gòn hay đứng bên trường học, lẫm làng, ngã ba, ngã tư… Gần đây, vì nhiều lý do như: mở đường, quy hoạch khu dân cư, xây trường mới… nên gòn vui vẻ nhường lại phần đất cho nông thôn đổi mới. Chỗ ngã tư bên sân kho cũ gần nhà tôi có cây gòn cổ thụ, hỏi cây bao nhiêu tuổi, ông cụ lớn tuổi nhất làng bảo: “Cha tôi nói, hồi nhỏ đã chơi dưới bóng cây này rồi mới đến tôi…”. Khi tán cây trải rộng cả sào đất, cành nhánh vươn xa như vẫy gọi bà con đem nông sản đến đây ngồi bán cho vui nên mới sinh ra cái chợ xổm Cây Gòn. Chợ bao nhiêu tuổi cũng không ai nhớ nói chi đến tuổi cây gòn.
Đất đai, đường sá nơi đây cũng chưa đòi hỏi phải hạ cây gòn nơi đây nhưng vì thời tiết khắc nghiệt, gòn “đổ bệnh” từ trận bão xô nghiêng vào mùa đông năm trước, bà con sợ cành khô rớt trúng nên phải hạ gấp. Không còn bóng cây che mát, có thể chợ xổm sẽ chuyển về nơi khác, khang trang hơn, thuận tiện hơn; chỉ có cây gòn là không còn nhưng tôi tin chắc rằng: Người ta sẽ thường xuyên hỏi đường đến những xóm nhỏ quanh đây qua địa danh “Cây Gòn”.
Tôi tiếc cây gòn như xa một người thân, bao nhiêu câu chuyện xung quanh cây gòn cứ lân la trong trí nhớ. Cây gòn nơi đây như điểm định vị trong ký ức để tôi nhớ mãi những ngày tháng cùng bạn bè dưới ngôi trường tranh vách đất; giờ ra chơi, hôm nào cũng bắn bi, tán đáo dưới gốc cây; một bên là quán nước Cô Hai; một bên là gánh hàng rong Cô Ba, cả làng quen gọi là Cô Ba “Mua tươi, bán héo”. Cô Ba có nụ cười hiền khô, đôi khi lim dim ngủ gật vì gió nồm, không khi nào cô gắt gỏng với một đứa nhỏ dù nó có lén lấy vài trái xoài, trái ổi trong gánh hàng của chị, ai nhìn thấy nhắc nhở thì chị cười: “Trẻ nhỏ mà, chắc bữa nay nó không có tiền”...
Cây gòn đã chứng kiến bao thăng trầm của quê tôi, viết hết những chuyện buồn vui của làng trong lớp vỏ sần sùi qua bao mùa mưa nắng. Chuyện nghĩa tình của người lớn, chuyện vui của trẻ con và tình yêu chung thủy của những đôi trai gái… Còn tôi, tôi biết về loài cây này cũng kha khá nên cứ sợ một ngày không xa, hình ảnh cây gòn không còn trong bức tranh làng quê nữa.
Cây gòn thân mềm, chóng lớn, cành nhánh cứ tầng tầng chồng lên, nhìn xa như mái nhà. Gòn không thuộc nhóm “mỏng vỏ, nhỏ lá”, gỗ không chắc nên trong “mộc dân dụng” không ai dùng đến gỗ gòn; chỉ được cái xốp, nhẹ nên trước đây các cụ hay dùng để đẽo guốc…
Cây gòn chỗ ngã tư chợ Xổm, đã từ lâu làm cánh dù to che mát cho mớ rau, rổ cá, buồng chuối, con gà… với kẻ bán, người mua để rồi trong làng và cả những làng lân cận ai ai cũng biết đến chợ Cây Gòn. Trên cao, cành nhánh giữ lấy chùm loa phát thanh đưa tin tức đi khắp thôn xóm.
Mùa xuân, nghe tiếng loa vang vang trên cao, ngước nhìn sẽ thấy hoa gòn nở rợp trên đầu như đang đội mũ. Hoa gòn không thơm, màu trắng không sáng; có vẻ khiêm nhường nhưng cánh hoa dày, mộc mạc, đủ sức ấp ủ quả gòn to bằng bắp tay đứa học trò tiểu học.
Mùa hè đến, quả gòn to dần đến hết cỡ rồi khô vỏ, bà con ai cần cứ khều xuống đem về lấy bông làm ruột gối. Những trái trên cao, ngoài đầu cành, không ai hái, đến lúc khô giòn tự động tách vỏ ra, rơi xuống; để lại những cuộn bông trắng tinh treo lủng lẳng, nhìn xa giống như đàn cò đang đậu kín cả bụi cây. Vài ngày sau, những mảng bông trắng tinh bay là đà trong gió, giăng giăng trên cây gòn và cả những bụi cây khác đứng gần bên như những cánh dù.
Gió mùa hè đưa những cánh bông trắng tinh, mang theo hạt gòn màu đen như hạt tiêu khô đi khắp nơi, thả xuống nơi nào sẽ chọn nơi ấy là quê hương. Rồi hạt gòn lại nảy mầm, châm rễ đứng lên, tỏa bóng mát cho đời: cho chợ xổm, cho trẻ con bắn bi, tán đáo; rồi sẽ ra hoa đơm trái, nhả bông cho mẹ làm gối, êm thật là êm!
NGÔ TRỌNG CƯ