Những mùa đông tuổi nhỏ của tôi - không hiểu sao - thường lạnh lắm. Gió bấc về từng cơn hun hút, lại thêm mưa dầm. Thời ấy, nệm còn là xa xỉ phẩm, chỉ những nhà giàu trên phố mới có. Quê nghèo nằm giường trải chiếu lác (cói), đắp mền đơn. Mùa hè không sao, nhưng tới mùa đông đương nhiên lớp chiếu/mền mỏng manh kia chẳng thấm vào đâu.
Những đêm đông dài dặc ấy, mẹ tôi lùa lũ nhỏ dồn hết lên chiếc giường to. Mền gối tập trung một chỗ, nằm áp mặt áp lưng nhau cho đỡ lạnh. Đỡ thật, nhưng ấy là khi trời còn lạnh ít chứ đến lúc lạnh nhiều thì thua. Chăn mền nhiều đến đâu vẫn phải tăng cường thêm dưới gậm giường chậu lửa vùi tro mới mong đủ ấm.
Chậu bỏ lửa than (miền Trung gọi là cái âu) làm bằng đất nung, hình dạng cơ bản giống cái chậu rửa. Khác cái, miệng chậu được thiết kế chìa vào trong ba cái chân giống hệt miệng hỏa lò. Chân ấy dùng để bắc nồi niêu xoong chảo lên trên khi cần. Khác với hỏa lò, than bỏ vào chậu không thể cháy to do chậu không có lỗ thông gió. Vậy nên lửa trong chậu chỉ vừa đủ sức nóng để sấy khô bánh trái, thức ăn hoặc để sưởi ấm.
Tháng Chạp ngớt mưa nhưng không khí lạnh liên tục đổ về. Đêm nằm ngủ mê thò chân ra khỏi mền đường nào cũng bị thức giấc với bàn chân lạnh cứng như ướp đá. Còn nữa, mắc tiểu nhưng không dám đi. Chui ra, lúc vào lại chỗ nằm sẽ hết ấm, thà chịu bí! Tiết ấy, năm nào mẹ cũng lo xa, mua trữ trước trong nhà nửa bao than gỗ. Nấu cơm chiều xong lo chuẩn bị chậu lửa: cho ít than gỗ vào chậu; gắp than củi đang cháy bỏ giữa làm vật mồi. Quạt cho than bén lửa xong mẹ sẽ xúc tro lấp bớt phần than cháy để giảm sức nóng và giữ cho than lâu tàn. Chậu than ấy được cho xuống gậm giường trước khi đi ngủ để hong khô và làm ấm chăn chiếu.
Mùa đông, cơm nước xong trời cũng tối sập. Chiếc giường ấm áp thành nơi quây quần tập trung cho cả mấy mẹ con dưới ánh đèn dầu leo lét. Chuyện vãn, cười đùa chán chê mới lăn ra ngủ. Sức nóng âm ỉ của chậu than hồng, cứ như vòng tay mẹ, ủ ấm đàn con thơ qua suốt những đêm đông. Có lần, mẹ kể chúng tôi nghe câu chuyện cổ tích. Chuyện về một người con gái vô cùng hiếu thuận.
Ngày còn sống, mẹ cô rất sợ lạnh, đêm ngủ bao giờ cũng phải đốt lửa sưởi. Mẹ mất, cô dựng túp lều sống luôn bên mộ mẹ cho tiện ngày ngày chăm chút khói hương. Mùa đông đến, sợ mẹ dưới mồ bị lạnh nên đêm nào cô cũng ra đốt lửa. Ngồi canh để lửa không tàn, mệt quá khiến cô ngủ quên. Nhiều khi tỉnh dậy nửa đêm thấy lửa tắt ngúm chỉ còn tàn tro, cô hối hận bật khóc.
Lòng hiếu thảo của cô khiến trời cảm động. Trời sai tiên nữ đêm đêm bí mật xuống canh lửa giùm cho cô gái được ngủ yên… Nghe tới đó chị Tư lật đật chen ngang: Vậy từ bữa đó lửa không tắt nữa hở mẹ? Ừ… Con Út bất chợt ngồi dậy reo: A, con biết rồi! Mày biết cái gì, tôi nạt. Em biết: Nhà mình đêm cũng có bà tiên xuống canh lửa… Trời đất, cái con này! Đó là chuyện... đời xưa, giờ đào đâu ra tiên? Hông, thiệt mà! Bữa nửa đêm thức giấc em nghe tiếng bà tiên rột roạt kéo chậu khỏi gậm giường, phạch phạch quạt lửa! Chớ không sao chị Năm ngủ tới sáng lửa vẫn còn ấm?
Phát hiện của con Út khiến lũ nhỏ thần người, ngơ ngác. Chỉ mẹ dường như không ngạc nhiên mấy. Mặt mẹ tỉnh bơ, phảng phất nét cười…
Y NGUYÊN