Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2020: Trung Quốc vững ngôi đầu

Thứ bảy - 31/07/2021 10:10
Kết thúc ngày thi đấu thứ 7 (30/7), đoàn thể thao Trung Quốc tiếp tục thi đấu ấn tượng để duy trì ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2020 với 19 HCV, 10 HCB và 11 HCĐ.
Bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2020: Trung Quốc vững ngôi đầu

* VĐV đầu tiên đoạt 3 HCV tại Olympic

* 8 kỷ lục bị phá ở môn bơi trong ngày 30/7

 

Kết thúc ngày thi đấu thứ 7 (30/7), đoàn thể thao Trung Quốc tiếp tục thi đấu ấn tượng để duy trì ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2020 với 19 HCV, 10 HCB và 11 HCĐ.

 

Trong ngày 30/7, đoàn Trung Quốc có thêm 4 HCV ở các môn bơi lội, thể dục dụng cụ, cầu lông và bóng bàn.

 

Đoàn chủ nhà Nhật Bản có thêm 2 HCV ở môn Judo và đấu kiếm, qua đó tiếp tục đứng thứ 2 với 17 HCV, 4 HCB và 7 HCĐ.

 

Trong khi đó, đoàn thể thao Mỹ trải qua ngày thi đấu không thành công, khi không có thêm được tấm HCV nào. Hiện Mỹ vẫn xếp thứ 3 với 14 HCV, 16 HCB và 11 HCĐ. Các vị trí tiếp theo thuộc về đoàn Ủy ban Olympic Nga (10 HCV, 14 HCB và 10 HCĐ), Úc(9, 2. 11), Vương Quốc Anh (6, 9, 9), Hàn Quốc (5, 4, 6), Pháp (3, 8, 8)...

 

Bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2020 tính đến cuối ngày 30/7.

 

Hiện tại có tổng cộng 70 đoàn tham dự Olympic Tokyo 2020 giành được huy chương.

 

Trong ngày 30/7, đoàn Việt Nam chỉ có duy nhất Nguyễn Huy Hoàng thi đấu ở nội dung 1500m bơi tự do. Huy Hoàng về đích với thành tích 15 phút 0 giây 24, kém hơn kỷ lục cá nhân từng đạt được ở SEA Games 30 (14 phút 58 giây 14).

 

Kình ngư Việt Nam chỉ đứng thứ 12/28 VĐV tranh tài và không thể lọt top 8 dẫn đầu để vào chung kết tranh huy chương.

 

Nguyễn Huy Hoàng bị loại ở cả hai nội dung góp mặt tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Vnexpress

 

Như vậy, Việt Nam gần như hết cơ hội giành huy chương tại Olympic Tokyo, khi những người được kỳ vọng như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, đô cử Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên và kình ngư Huy Hoàng đều không thể tạo bất ngờ.

 

Đoàn thể thao Việt Nam sẽ chỉ còn thi đấu một nội dung cuối cùng là chạy 400m rào của VĐV điền kinh Quách Thị Lan vào ngày 31/7.

 

* Nữ cung thủ người Hàn Quốc An San trở thành VĐV đầu tiên đoạt 3 HCV ở Olympic Tokyo 2020 sau khi giành chiến thắng trong trận chung kết nội dung bắn cung cá nhân nữ.

 

Trước đó, An San giành 2 HCV ở các nội dung đôi nam nữ và đồng đội nữ môn bắn cung. Đối thủ của VĐV 20 tuổi này trong trận chung kết là cung thủ người Nga Elena Osipova.

 

Cung thủ An San. Ảnh: Reuters

 

An San khởi đầu tốt và vươn lên dẫn 3-1. Tuy nhiên, cung thủ của đoàn Ủy ban Olympic Nga có những loạt bắn xuất sắc sau đó để dẫn lại 5-3. Đến lúc này, An San thể hiện bản lĩnh khi gỡ hòa 5-5, đưa trận chung kết vào loạt shoot-out quyết định.

 

Ở loạt bắn này, An San được 10 điểm trong khi Elena Osipova chỉ được 9 điểm và nữ cung thủ Hàn Quốc giành HCV bắn cung cá nhân nữ một cách thuyết phục.

 

Hiện chỉ còn kình ngư Caeleb Dressel (Mỹ) có thể vượt thành tích nói trên của An San. Dressel đã có 2 HCV ở các nội dung bơi tự do 100m nam và bơi tiếp sức 4x100m nam, sẽ còn tranh tài ở hai nội dung bơi tự do 50m nam và bơi bướm 100m nam.

 

Người đang giữ kỷ lục có nhiều HCV nhất ở một kỳ Olympic là “kình ngư” Mỹ Michael Phelps với 8 HCV lập tại Olympic Bắc Kinh 2008.

 

* Trên “đường đua xanh” trong ngày thi đấu 30/7 cũng chứng kiến 8 kỷ lục mới tại Olympic được thiết lập.

 

Kristof Milak (Hungary) mở đầu cơn mưa kỷ lục khi phá kỷ lục Olympic tại bán kết 100m bướm nam với thời gian 50 giây 31. Kỷ lục cũ thuộc về Joshep Schooling (Singapore) và Caeleb Dressel (Mỹ) với cùng 50 giây 39.

 

Tuy nhiên, kỷ lục của Kristof Milak bị Caeleb Dressel phá ngay sau đó, khi anh tranh tài ở bán kết 2. Kình ngư người Mỹ lập kỷ lục Olympic mới với thời gian 49 giây 71. Thành tích này của Dressel vẫn kém kỷ lục thế giới 21% giây, do chính anh lập tại giải vô địch thế giới 2019.

 

Kình ngư người Nam Phi phá kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới ở nội dung 200m ếch nữ.

 

Ở chung kết nội dung 200m ếch nữ, kình ngư người Nam Phi cán đích đầu tiên với thời gian 2 phút 18 giây 95, phá kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới. Kỷ lục thế giới cũ 2 phút 19 giây 11 thuộc về Rikke Moller Pedersen (Đan Mạch) lập từ năm 2013.

 

Evgeny Rylov trở thành niềm tự hào của Đoàn Thể thao Ủy ban Olympic Nga (ROC). Sau khi giành HCV nội dung 100m ngửa nam, anh tiếp tục chinh phục thành công HCV 200 m ngửa. Kình ngư ROC phá kỷ lục Olympic với thời gian 1 phút 53 giây 27, tốt hơn 14% giây với kỷ lục cũ của Tyler Clary (Mỹ) lập tại London 2012. Chiến thắng này của Evgeny Rylov chấm dứt sự thống trị trong suốt 29 năm của đoàn Mỹ ở nội dung 200m bơi ngửa. Bơi lội Mỹ giành HCV 200m bơi ngửa ở 6 kỳ thế vận hội gần đây nhất.

 

Emma McKeon giúp tuyển bơi Úc giành tấm HCV thứ 6 tại Olympic Tokyo. Cô về nhất ở chung kết 100m tự do nữ với thời gian 51 giây 96, phá kỷ lục Olympic của chính bản thân tại vòng loại với thành tích 52 giây 13.

 

Nữ kình ngư Siobhan Bernadette Haughey (Hongkong, Trung Quốc) giành HCB nội dung 100m tự do với thành tích 52 giây 27. Thông số này của cô đã phá kỷ lục châu Á do chính mình lập nên tại vòng bán kết Olympic với thời gian 52 giây 70.

 

Ở chung kết 200m hỗn hợp cá nhân nam, Wang Shun (Trung Quốc) giành tấm HCV với thời gian 1 phút 55 giây. Anh chưa thể phá kỷ lục Olympic, nhưng thành tích này đã giúp kình ngư 27 tuổi phá kỷ lục châu Á.

 

M.HÙNG (tổng hợp)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp