Nay Hờ Nguyên, cộng tác viên dân số nhiệt tình

Thứ sáu - 14/06/2019 00:37
Những năm gần đây, xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) luôn thực hiện tốt các chỉ tiêu về công tác dân số, trong đó có sự đóng góp một phần công sức của các cộng tác viên dân số (CTVDS). Chị Nay Hờ Nguyên ở buôn Ken, CTVDS của xã Ea Bá là một điển hình.
Nay Hờ Nguyên, cộng tác viên dân số nhiệt tình

Những năm gần đây, xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) luôn thực hiện tốt các chỉ tiêu về công tác dân số, trong đó có sự đóng góp một phần công sức của các cộng tác viên dân số (CTVDS). Chị Nay Hờ Nguyên ở buôn Ken, CTVDS của xã Ea Bá là một điển hình.

 

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

 

Là người dân tộc Ê Đê, sinh ra và lớn lên tại miền núi nhiều khó khăn nên chị Nay Hờ Nguyên thấu hiểu được nỗi khổ của đồng bào mình. Đó là quanh năm thiếu cái ăn cái mặc, nhà cửa tạm bợ, chủ yếu sống nhờ nương rẫy. Nguyên nhân là do bà con nhận thức còn hạn chế, không có điều kiện quan tâm chăm sóc sức khỏe, sinh nhiều con, dẫn đến nghèo khổ.

 

Với thế mạnh vừa là CTVDS vừa tham gia chi hội phụ nữ, những năm qua, Nay Hờ Nguyên thường xuyên đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi nếp nghĩ, giảm sinh. Trong quá trình tuyên truyền, Nay Hờ Nguyên đã gặp không ít khó khăn.

 

“Vì đồng bào đa phần muốn sinh nhiều con để làm rẫy, phần e ngại nên thường lẩn tránh mỗi khi CTVDS đến nhà vận động. Hơn nữa, họ thường ở rẫy cả tuần đến cuối tuần mới về nên khó tiếp cận”, Nay Hờ Nguyên cho biết. Không ít lần Nay Hờ Nguyên phải vượt đường xa để lên tận rẫy hướng dẫn bà con cách sống, thực hiện biện pháp tránh thai, chăm sóc con cái. “Tôi nghĩ, nếu mình bỏ cuộc thì đời sống người dân mãi nghèo đói, trẻ con sẽ không được đến trường. Thế là tôi cứ kiên trì, không sợ khó, gặp bất kỳ bà con ở đâu tôi đều vận động đến trạm xá khám sức khỏe, thực hiện các biện pháp tránh thai. Riêng thuốc tránh thai là tôi mang đến tận nhà hướng dẫn cặn kẽ cho chị em cách sử dụng”, Nay Hờ Nguyên nói.

 

Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, chị Nay Hờ Nguyên còn lập danh sách theo dõi từng người sử dụng biện pháp tránh thai. Gia đình nào có con từ 10-18 tuổi, chị thường xuyên đến tuyên truyền để phòng tránh mang thai sớm ngoài ý muốn. Chị còn tranh thủ thời gian cuối tuần, đến từng gia đình vận động chị em, nam giới, người già, trẻ em tập trung để chị phổ biến các chính sách mới của Nhà nước; quyền và nghĩa vụ mỗi hộ dân được hưởng nếu thực hiện đúng chính sách dân số; lịch cung cấp dịch vụ của các đợt chiến dịch. Chị cũng thông báo những hộ làm rẫy xa có nhu cầu KHHGĐ tập trung ở nhà chị để chị chở đi thực hiện.

 

Nay Hờ Nguyên chia sẻ: “Bây giờ các cặp vợ chồng trẻ nghe tuyên truyền mãi nên có tiến bộ hơn nhiều. Họ nhận thấy hậu quả của việc sinh dày, sinh nhiều con nên chủ động tìm tôi để được hướng dẫn, xin thuốc tránh thai hoặc đăng ký khám sức khỏe hay áp dụng một biện pháp tránh thai nào đó”.

 

Thành công nhờ thấu hiểu nếp sống của đồng bào

 

Chị Ksor Hờ Nhái ở buôn Ken (xã Ea Bá) cho biết, mới 27 tuổi nhưng chị đã sinh tới 4 đứa con. Gia đình khó khăn, thường thiếu ăn, thấy các chị em trong buôn chỉ sinh 2 con rồi thực hiện KHHGĐ, kinh tế ổn định nên Ksor Hờ Nhái đã thay đổi suy nghĩ. Đợt chiến dịch truyền thông dân số năm 2019 vừa qua, Ksor Hờ Nhái đồng ý để chị Nay Hờ Nguyên đưa đi cấy tránh thai.

 

Còn chị Hờ Mai ở cùng buôn với Hờ Nhái thì cho hay: “Tôi 27 tuổi, đã sinh 2 cháu trai. Khi tôi sinh cháu nhỏ được 10 tháng tuổi thì chị Nay Hờ Nguyên tới nhà nhiều lần hướng dẫn cách chăm sóc trẻ khỏi bị suy dinh dưỡng và khuyên tôi nên KHHGĐ để có cuộc sống tốt hơn. Tôi thấy rất đúng nên nghe theo”.

 

Chị Hờ Bóc, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Bá cho biết: “Chị Nay Hờ Nguyên là một CTVDS luôn năng nổ nhiệt tình, sâu sát và thấu hiểu được nếp sống của đồng bào trong buôn nên dễ dàng truyền thông, vận động bà con, nhất là chị em phụ nữ thực hiện có hiệu quả KHHGĐ.

 

Chính quyền địa phương rất tin tưởng và tạo mọi điều kiện để chị hoàn thành nhiệm vụ. Hiện buôn Ken do chị Nay Hờ Nguyên phụ trách có 219 hộ. Trong đó, số cặp vợ chồng tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai lên tới 112 cặp, chiếm 97,2%”.

 

Ông Phạm Minh Mỹ, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh cho biết, toàn huyện có 142 CTVDS chia đều 11 xã, thị trấn tùy theo số dân, trong đó 2/3 là người dân tộc thiểu số. Mặc dù đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác dân số, nhưng hiện mức thù lao dành cho CTVDS thấp, chi chậm.

 

Chế độ đãi ngộ dành cho lực lượng này cũng không có khiến nhiều người không thể gắn bó lâu dài với công việc, dẫn đến tình trạng CTVDS thường xuyên thay đổi. Vì vậy, có một CTVDS làm việc nhiệt tình, gắn bó với công tác DS-KHHGĐ lâu năm như chị Nay Hờ Nguyên là một điều đáng quý.

 

NGỌC LY - HOÀNG LÊ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp