Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Nghĩ từ chuyện “nhỏ mà có võ” ở Tây Giang

Thứ sáu - 22/03/2019 04:59
Nghe phong thanh đã lâu nhưng chủ nhật vừa rồi, khi được người bạn là phóng viên Báo Lao Động thường trú tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tặng ấn phẩm Lao Động Miền Trung - Tây Nguyên Xuân Kỷ Hợi 2019, tôi mới tỏ tường sự việc.

Nghe phong thanh đã lâu nhưng chủ nhật vừa rồi, khi được người bạn là phóng viên Báo Lao Động thường trú tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tặng ấn phẩm Lao Động Miền Trung - Tây Nguyên Xuân Kỷ Hợi 2019, tôi mới tỏ tường sự việc.

 

Đó là bài viết “Được quyền say” của tác giả Yến Thanh đăng trong ấn phẩm, kể chuyện thực hiện an toàn giao thông hơi bị “lạ đời” vào dịp Tết, lễ ở huyện vùng cao Tây Giang (tỉnh Quảng Nam).

 

Theo thông tin của bài viết, cứ đến chiều 28, 29 Tết, tại các thôn thuộc các xã trong huyện, người dân tự giác mang chìa khóa xe máy và xe máy đến nộp cho trưởng thôn, già làng, công an viên. Rồi chìa khóa và xe máy được đưa vào kho cất giữ cẩn thận. Sau mấy ngày nghỉ Tết, các chủ nhân lục tục đến nhận xe về để sử dụng.

 

Đáng chú ý là cách làm “không giống ai” này được thực hiện nghiêm túc hơn 5 năm nay. Nhờ vậy mà trong những ngày Tết, địa phương không xảy ra tai nạn giao thông, người dân đón Tết, vui xuân tuyệt đối an toàn. Theo lý giải của tác giả, sở dĩ có được kết quả tích cực này là do các xã, thôn trong huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động với sự vào cuộc rất tích cực của chính quyền, nhất là biết khơi dậy mạnh mẽ, hiệu quả vai trò, tiếng nói của những già làng có uy tín. Bên cạnh đó, người dân Cơ Tu ở huyện Tây Giang vốn có tính cộng đồng rất cao.

 

Vì thế, khi làng đã đưa sự việc ra bàn bạc, trao đổi rồi trở thành hương ước, quy ước được thống nhất ban hành thì mỗi cá nhân, gia đình phải răm rắp thực hiện dù bước đầu cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng mọi việc dần đi vào nền nếp để bây giờ, việc giao nộp chìa khóa xe máy vào ngày cuối tháng Chạp đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây. Không những vậy, việc thu chìa khóa xe máy còn áp dụng trong các ngày lễ hay ngày hội, ngày vui khác của thôn làng. Rồi có thôn còn xử phạt rất nặng những trường hợp phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm…

 

Có lẽ, đây là địa phương duy nhất trong cả nước có cách “mần” an toàn giao thông độc đáo như vậy, gọi là chuyện “nhỏ mà có võ” thật cũng không sai! Nói thế là vì khi vào Google tra cứu, tôi chỉ gặp một kết quả với thông tin tương tự về cách làm có một không hai này ở Tây Giang đăng trên Báo Quảng Nam điện tử ngày 18/1/2019.

 

Cách làm của Tây Giang thành công là do phát huy được trách nhiệm, khơi dậy được ý thức biết nghĩ đến an toàn tính mạng của mình và người khác của từng cá nhân trong thôn, xã, tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng để thực hiện cho kỳ được mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong những ngày Tết. Từ đó góp phần hình thành các thói quen tốt để dần dần xây dựng nếp sống văn minh ngay tại từng khu dân cư (thôn, buôn, khu phố). Mà từng khu dân cư có văn minh, tiến bộ thì xã, phường, thị trấn mới văn minh, tiến bộ được.

 

Từ cách làm hay ở Tây Giang, tôi chợt liên hệ với nạn hát karaoke, nhạc sống di động nhiều lúc còn tràn lan và hiện chưa được ngăn chặn hiệu quả, còn đang làm đau đầu nhức óc nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh. Theo thông tin mà người viết nắm được, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) và một vài địa phương xây dựng quy ước và có sự đồng thuận cao của người dân trong việc chung tay xóa nạn hát nhạc sống, karaoke di động “tra tấn”, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống người dân và đạt kết quả rõ rệt.

 

Rõ ràng, cách làm của Hòa Quang Nam có sự đồng điệu với Tây Giang là nhờ huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng bằng những việc làm rất thiết thực. Cụ thể là tổ chức lấy ý kiến và ban hành quy ước đồng thuận của các khu dân cư về tổ chức hát nhạc sống, karaoke di động trong các đám tiệc, sinh hoạt gia đình để người dân tự giác thực hiện; kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhất là các hoạt động văn hóa nhạy cảm, gây tiếng ồn quá mức quy định, làm mất an ninh trật tự thôn xóm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động đối với những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm…

 

Nhờ vậy, cách làm này đạt hiệu quả rõ rệt. Vì thế, có thể khẳng định rằng, nếu mỗi khu dân cư, mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều học tập cách làm đồng bộ, quyết liệt như Tây Giang, Hòa Quang Nam… thì chắc chắn sẽ đảm bảo cuộc sống bình yên, an vui cho nhân dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước phát triển mạnh giàu, bền vững.

 

HÀ HIẾU HẠ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp