Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bảo tàng tỉnh phải đóng cửa một thời gian, nhưng đây cũng là cơ hội để bảo tàng tập trung triển khai nhiều kế hoạch dài hơi, bổ sung, củng cố các hoạt động thêm phần mới mẻ, hấp dẫn, cuốn hút người xem khi hoạt động trở lại.
Công tác sưu tầm hiện vật, tài liệu là một trong những phần việc được Bảo tàng tỉnh chú trọng triển khai thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động; đồng thời lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trên địa bàn.
Sẵn sàng phục vụ những sự kiện lớn
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm thông qua hội đồng khoa học, nhập kho 49 hiện vật, hình ảnh gồm: 15 hiện vật về văn hóa các dân tộc, 11 hiện vật gốm Quảng Đức, 8 hiện vật về cuộc sống đương đại, 7 hiện vật về đồ thờ cúng, 7 hiện vật về nghề truyền thống làm mía đường, 1 hiện vật công cụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh đã khảo sát, thu thập thông tin hiện vật nhà sưu tầm cổ vật tư nhân tại xã Hòa Tân Đông và hiện vật bia Hảo Sơn tại xã Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa); hiện vật do người dân phát hiện và được lưu giữ tại thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa).
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức triển lãm hình ảnh “Thành tựu hai tỉnh Phú Yên và Hải Dương trên đường đổi mới” tại Nhà văn hóa Diên Hồng phục vụ kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Phú Yên và Hải Dương (9/1/1960-9/1/2020); phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày và tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” tại Bảo tàng tỉnh phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; xây dựng đề cương sưu tầm hình ảnh để trưng bày chuyên đề “Thành tựu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 5 năm 2015-2020” phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; hoàn chỉnh đề cương trưng bày, nội dung thuyết minh và tổ chức sưu tầm bổ sung hình ảnh, tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày Nhà lưu niệm Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.
Em Nguyễn Hồ Trâm Anh, học sinh lớp 7B, Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Đã nhiều lần em và các bạn đến Bảo tàng tỉnh tham quan, tìm hiểu lịch sử thông qua các hiện vật trưng bày tại đây. Mỗi lần đến đây, em được nghe các cô thuyết minh giới thiệu từng hiện vật, từng sự kiện. Những khoảnh khắc như vậy, em lại càng tự hào hơn về lịch sử của quê hương Phú Yên. Em mong muốn mình có nhiều cơ hội tìm hiểu văn hóa lịch sử thông qua các hiện vật, tư liệu và hình ảnh mới được bảo tàng sưu tầm trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc triển khai thực hiện một số hoạt động của Bảo tàng tỉnh như: trưng bày chuyên đề kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; công tác sưu tầm hiện vật; phục vụ khách tham quan chưa theo đúng tiến độ chương trình công tác năm.
Chuẩn bị trưng bày chuyên đề về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị tập trung sưu tầm hiện vật theo đề cương trưng bày bảo tàng đã được UBND tỉnh phê duyệt và sưu tầm bổ sung hình ảnh, tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày Nhà lưu niệm Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức trưng bày các chuyên đề; phát huy tinh thần trách nhiệm của viên chức, người lao động trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu An, đề cương trưng bày Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được Hội đồng khoa học về dự án này góp ý 2 lần; được ông Nguyễn Hữu Châu, trưởng nam của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ góp ý bằng văn bản. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tỉnh đã tiếp thu, sửa chữa, bổ sung và hoàn chỉnh. Nội dung đề cương trưng bày được xây dựng dựa trên toàn bộ số hiện vật gốc, tài liệu và hình ảnh mà gia đình Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã chuyển giao cho tỉnh Phú Yên năm 1995, đang trưng bày tại cơ sở cũ (72 Lê Trung Kiên, TP Tuy Hòa) và đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, kết hợp với hình ảnh, hiện vật mới sưu tầm bổ sung.
Đề cương trưng bày gồm những chủ đề chính như: Quê hương và gia đình Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ; Sự nghiệp hoạt động cách mạng của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ; Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với Phú Yên. Tất cả được xây dựng trên cơ sở 153 hiện vật gốc, 29 đầu mục tài liệu, 163 hình ảnh, 6 bảng trích.
“Đề cương trưng bày đảm bảo phản ánh toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ qua từng giai đoạn lịch sử và những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước. Trong đó, tập trung làm nổi bật phần nội dung thể hiện về những năm tháng Luật sư bị địch quản thúc tại Phú Yên; cuộc giải thoát Luật sư của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên; những tình cảm gắn bó sắt son giữa Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với Phú Yên”, ông Nguyễn Hữu An cho biết thêm.
Đề cương trưng bày Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được Hội đồng khoa học về dự án này góp ý 2 lần tại các cuộc họp ngày 26/3 và 15/5; được ông Nguyễn Hữu Châu, trưởng nam của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ góp ý bằng văn bản. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tỉnh đã tiếp thu, sửa chữa, bổ sung và hoàn chỉnh.
Bảo tàng tỉnh đã sẵn sàng cho guồng quay thường nhật sau thời gian ảnh hưởng do dịch COVID-19. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân, bảo tàng cần tăng cường bổ sung các hiện vật mới, đa dạng hình thức trưng bày giới thiệu hiện vật, hình ảnh. Đồng thời chú ý hơn yếu tố hình thức, giải pháp trưng bày, đưa hiện vật về cơ sở… để thu hút đông đảo người dân đến tham quan, tìm hiểu.
Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL |
THIÊN LÝ