Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Mỗi học sinh là “đại sứ văn hóa đọc”

Thứ bảy - 11/07/2020 05:55
Sách là nguồn kiến thức vô tận nhưng nguồn kiến thức vô tận ấy chỉ thực sự “sống”, thực sự có hiệu quả khi được đọc, được hiểu và được vận dụng vào thực tế cuộc sống
Mỗi học sinh là “đại sứ văn hóa đọc”

Sách là nguồn kiến thức vô tận nhưng nguồn kiến thức vô tận ấy chỉ thực sự “sống”, thực sự có hiệu quả khi được đọc, được hiểu và được vận dụng vào thực tế cuộc sống, như có người từng nói: “Sách chỉ thực sự sống cuộc đời của mình khi được mở ra và đọc. Chính sự đọc đã đánh thức trên những trang giấy, những dòng chữ, một linh hồn. Linh hồn ấy, nhiều khi mang một khuôn mặt, hình nét của chính tâm hồn độc giả”.

 

Sở VH-TT-DL vừa phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tỉnh Phú Yên năm 2020. Đây là hoạt động bổ ích và ý nghĩa nhằm phát động phong trào đọc sách trong nhà trường.

 

Trải lòng bằng những câu chuyện, vần thơ giàu cảm xúc

 

Thí sinh tham gia cuộc thi được lựa chọn một trong ba đề bài: Chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách làm thay đổi nhận thức, sáng tác tác phẩm văn học, viết tiếp lời câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc; đồng thời trả lời câu hỏi “Nếu được chọn là “Đại sứ văn hóa đọc”, em sẽ có kế hoạch gì để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn?”.

 

Mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng không vì thế mà làm giảm tinh thần tham gia cuộc thi của các học sinh. Sau hơn 3 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 9.659 bài dự thi, tương đương với chừng ấy học sinh thuộc 35 trường trên địa bàn tỉnh. Trong số đó có rất nhiều bài dự thi đã thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, trong lối hành văn, sâu sắc trong suy nghĩ, có nhiều sáng tạo độc đáo, đầu tư và chuẩn bị công phu. Qua cách thể hiện của mình, các em không chỉ truyền tải những thông điệp của tác giả mà còn nêu được những ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm đối với bản thân và khuyến khích mọi người tìm đến sách. “Nhiều em đã phân tích được tác dụng của sách và kêu gọi mọi người hãy yêu sách như yêu bản thân mình bằng những vần thơ hồn nhiên, trong trẻo; bằng những câu chuyện xúc động do chính các em sáng tác. Trong mỗi bài dự thi, ngoài việc giới thiệu cuốn sách, câu chuyện và bài thơ tự sáng tác, dường như em nào cũng mong muốn được nhận danh hiệu “Đại sứ văn hóa đọc” để chia sẻ tình yêu sách của mình đến với mọi người”, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL đánh giá.

 

Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Tuy Hòa) là trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất trong cuộc thi này; 3 trường có nhiều thí sinh tham gia cuộc thi nhất là THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), THCS Trần Rịa và tiểu học An Ninh Đông số 2 (huyện Tuy An) được ban tổ chức trao giải tập thể.

 

Em Đặng Vũ Mai Ly, lớp 11C1, Trường THPT Nguyễn Huệ, chia sẻ: “Tham gia cuộc thi này, em đã lựa chọn đề bài: Chia sẻ về một cuốn sách yêu thích. Đó là cuốn sách “Bố con cá gai” của Cho Chang-in, xuất bản năm 2000 kể câu chuyện cảm động về tình yêu và sự hy sinh của người cha dành cho cậu con trai nhỏ đang bệnh nặng. Đó là cuốn sách ấn tượng trong em. Đọc xong cuốn sách, em mong muốn trao đi nhiều yêu thương hơn, học cách ngoan ngoãn như Daum (nhân vật trong cuốn sách) để người cha không phiền lòng, học cách tin tưởng và trân trọng những người bên cạnh”.

 

Còn em Huỳnh Bảo Trân, lớp 11A8, Trường THPT Ngô Gia Tự, thí sinh đạt giải nhất của cuộc thi, bày tỏ: Nếu trở thành “Đại sứ văn hóa đọc”, em nhận thức được rằng mình có trách nhiệm trong việc lan tỏa tinh thần đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước bằng cách: thực hiện những biện pháp thiết thực để mang văn hóa đọc và sách đến với mọi người; tuyên truyền cho bạn bè và người thân xung quanh về lợi ích của việc đọc sách; giúp đỡ mọi người để họ tìm được phương pháp đọc đúng và hiệu quả; vận động mọi người tích cực tham gia các hoạt động đọc sách, báo do trường, địa phương tổ chức; cùng các bạn trang trí lại thư viện, làm mới bìa sách, trưng bày và giới thiệu cho mọi người đọc. Bên cạnh đó là thành lập CLB Sách để cùng nhau trao đổi, tăng lượng kiến thức. Tất cả nhằm mang văn hóa đọc đến với mọi người gần gũi hơn, thiết thực hơn.

 

Lan tỏa văn hóa đọc

 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” là hoạt động dành cho các em học sinh từ tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh. Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng.

 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái nhìn nhận: Cuộc thi đã đạt được kết quả như mong đợi. Ngoài ý nghĩa, mục đích trên, cuộc thi còn nhằm đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Theo bà Ái, để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường hơn nữa, lãnh đạo phòng GD-ĐT, các trường phổ thông và thầy cô giáo cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đổi mới công tác tổ chức hoạt động và quản lý thư viện; tổ chức các hoạt động, sân chơi bổ ích, lôi cuốn; tổ chức các cuộc họp trong nhà trường để thảo luận, chia sẻ, trao đổi với cha mẹ học sinh khuyến khích, dành thời gian và hướng dẫn con em đọc sách ở nhà... 

 

Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tỉnh Phú Yên năm 2020 được phát động với ý tưởng tạo sức lan tỏa trong phong trào đọc sách. Thông qua đó tìm kiếm những “đại sứ” - học sinh truyền cảm hứng đọc sách đến với cộng đồng.

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Thị Hồng Thái

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp