Hành trình tác nghiệp có biết bao vui buồn, trăn trở; các nhà báo mong muốn những tác phẩm báo chí mà họ đầu tư tâm sức được độc giả, khán thính giả đón nhận và lan tỏa, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn giải thưởng chính là sự khích lệ, động viên các nhà báo không ngừng cố gắng.
Báo Phú Yên ghi lại chia sẻ của một số nhà báo được trao Giải thưởng Báo chí tỉnh Phú Yên lần thứ XIV năm 2020.
NHÀ BÁO PHƯƠNG TRÀ (BÁO PHÚ YÊN): Viết phóng sự bằng niềm xúc động và cảm kích
Năm 2020, khi COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, tôi tự nhủ ngoài việc thực hiện tin, bài thời sự hàng ngày về công tác phòng chống dịch, phải đầu tư một bài viết “sâu sâu” để bạn đọc hiểu được phần nào nỗi vất vả và sự hy sinh thầm lặng của các “chiến sĩ áo trắng”.
Tại lớp tập huấn về công tác điều trị, hồi sức cấp cứu và sử dụng máy thở trong phòng chống COVID-19, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc nói với các đồng nghiệp: “Nếu dịch lan rộng thì bác sĩ ngoại, sản, tiết niệu, thần kinh, cơ xương khớp… đều phải tham gia điều trị. Chúng ta đã chọn nghề này. Mình không vào cuộc thì ai? Cho nên chúng ta phải chiến đấu để xứng đáng với sứ mệnh mà xã hội đã tin tưởng giao cho chúng ta, đúng trong thời điểm mà xã hội cần chúng ta nhất”.
Những lời gan ruột của người đứng đầu ngành Y tế Phú Yên thôi thúc tôi thực hiện phóng sự Những người đi trong bão. Đi tác nghiệp, tôi mới biết 5 đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên có đến hơn 10 gương mặt nữ, hầu hết còn trẻ, trong đó có một “bà mẹ bỉm sữa” con út mới gần 2 tuổi cũng xung phong tham gia; mới biết mỗi khi khu cách ly y tế của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận những ca bệnh nghi ngờ, không chỉ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong ca trực đó hồi hộp mà gia đình họ cũng “nín thở” chờ kết quả xét nghiệm; mới biết 2 thời điểm có nguy cơ lây nhiễm cao đối với nhân viên y tế là khi họ lấy mẫu dịch họng, dịch tỵ hầu và khi kỹ thuật viên mở lọ đựng mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm; mới biết mặc trang phục phòng hộ nóng bức như thế nào… Tôi viết phóng sự Những người đi trong bão bằng niềm xúc động và cảm kích.
Khi đứa con tinh thần mà mình trăn trở, đầu tư công sức được bạn đọc đón nhận, sau đó được Hội đồng Giải thưởng Báo chí tỉnh Phú Yên ghi nhận, trao giải A, tôi rất vui. Tôi nghĩ, vinh dự này xin được dành cho các “chiến sĩ áo trắng” vẫn đang âm thầm, bền bỉ chống đại dịch. Còn những người cầm bút như chúng tôi, có cơ hội đồng hành với họ, tôn vinh họ và được động viên, khích lệ là niềm vui trên một chặng đường làm nghề.
NHÀ BÁO XUÂN TRIỆU (CƠ QUAN THƯỜNG TRÚ TTXVN TẠI PHÚ YÊN): Phải đi đến tận nơi để kể sự thật
Năm 2020, tôi và các đồng nghiệp nhiều lần vào rừng phản ánh tình trạng phá rừng giáp ranh tại huyện Tây Hòa và Sông Hinh, cũng như tình trạng phá rừng lấn chiếm đất sản xuất tại xã Phú Mỡ. Bắt đầu từ thông tin do người dân cung cấp, tôi và các đồng nghiệp lên phương án tác nghiệp ngay trên đường di chuyển. Khi các phương án đặt ra lần lượt “phá sản”, chúng tôi linh hoạt xoay chuyển theo tình huống nhưng quyết không bỏ cuộc.
Giữa trưa nắng như đổ lửa, nhóm phóng viên dò dẫm hết đường này đến đường khác, trèo hết dốc này đến dốc khác. Vậy nhưng phía trước đâu là đường vào rừng thì không ai biết! Cuối cùng, bằng “biện pháp nghiệp vụ”, chúng tôi cũng đến được vị trí rừng bị phá, nhanh chóng tác nghiệp ghi nhận sự việc và rời hiện trường khi mặt trời vừa tắt nắng…
Với tôi, chuyện vào rừng theo dấu của “lâm tặc” không chỉ đơn thuần là những bài báo mà còn là bài học làm nghề báo, từ việc xây dựng nguồn tin, lên phương án tác nghiệp, đến việc dấn thân, theo đuổi đến cùng sự việc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Tôi nghĩ, điều thú vị nhất của cuộc đời làm báo là được đi. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, với phóng viên trẻ như tôi, những lần thực hiện các tin bài điều tra cùng đồng nghiệp là một lần thêm trưởng thành.
Qua sự việc kể trên, tôi cũng thêm thấm thía triết lý “đi rồi hãy viết”, “sống rồi hãy viết”. Báo chí là sự phản ánh hiện thực. Vinh dự lớn lao nhất của nhà báo là phản ánh cho được hiện thực một cách chân thực. Muốn phản ánh trung thực, kịp thời hiện thực thì không thể không đi, bởi nếu không đi làm sao có chất liệu để viết. Có người cho rằng, viết về tiêu cực khó hơn phản ánh sự tích cực. Không phải thế! Mục đích cuối cùng của một tác phẩm báo chí là sức thuyết phục. Và để thuyết phục bạn đọc tin vào điều mình viết, mình nói, nhà báo phải đi đến tận nơi để kể sự thật.
NHÀ BÁO AN BANG (ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH PHÚ YÊN): Cố gắng đưa thông tin nhanh và tốt nhất đến với người xem
Nhà báo An Bang (bên phải) |
Sau cơn bão số 12 năm 2020, nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về vùng nuôi tôm hùm làm cho tôm bị sốc nước ngọt, chết hàng loạt. Khi chúng tôi đến khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, TX Sông Cầu, dân ở đây đổ dồn ra bãi biển, gương mặt ai nấy đều thất thần. Bà con cho biết thiệt hại rất nặng. Tôi nhớ lúc chiếc thuyền cập bến, chở đầy tôm hùm chết, một phụ nữ bật khóc. Thì ra hồi giữa năm, gia đình bà ấy đã thiệt hại cả tỉ đồng, giờ bị trận bão lũ này quật tiếp, gia đình gần như mất hết. Bà ấy khóc điếng, những người khác cũng khóc theo. Chúng tôi đã ghi lại hình ảnh đau lòng đó.
Chúng tôi đã nhiều lần tác nghiệp ở những vùng nuôi tôm hùm, nhưng lần đó cảm xúc rất đặc biệt, trĩu nặng. Chính cảm xúc đó thôi thúc chúng tôi thực hiện phóng sự Vùng nuôi tôm hùm: Bao giờ nước mắt ngừng rơi?
Chúng tôi muốn đưa thông tin này, sự việc này đến khán giả, đến các cơ quan chức năng. Qua phóng sự, chúng tôi mong các cơ quan quản lý cũng như chính quyền địa phương có những giải pháp, trước hết là hỗ trợ để bà con vượt qua giai đoạn khó khăn, về lâu dài cần có giải pháp phát triển bền vững. Tôm hùm có giá trị kinh tế rất cao, cần giải quyết những tồn tại, phát huy lợi thế của nghề nuôi tôm hùm, để nước mắt của bà con không còn rơi.
Là nhà báo, trước một sự kiện, sự việc, chúng tôi cố gắng đưa thông tin nhanh nhất, tốt nhất đến với người đọc, người xem. Tác phẩm được trao giải A, chúng tôi rất vui. Khi những đóng góp của mình, qua tác phẩm báo chí, được ghi nhận thì đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng.
NHÀ BÁO LÊ HẢO (BÁO PHÚ YÊN): Tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để sẵn sàng thực hiện tác phẩm có sức nặng
Qua nhiều năm theo dõi mảng tài chính - ngân hàng, tôi nắm được một số vấn đề cần quan tâm và có góc nhìn về hiệu quả của tín dụng chính sách. Năm 2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cũng là năm khép lại 15 năm thực hiện chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Từ những gì đã tích lũy được, tôi đi thực tế, gặp các nhân vật, thu thập thêm tư liệu, thực hiện 2 tác phẩm báo chí Khi ý Đảng hợp lòng dân và Hành trình 15 năm vốn nước sạch (tác phẩm Khi ý Đảng hợp lòng dân đoạt giải B Giải thưởng Báo chí tỉnh Phú Yên năm 2020, giải B Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Phú Yên và giải B Giải báo chí toàn quốc viết về công tác giảm nghèo năm 2020; tác phẩm Hành trình 15 năm vốn nước sạch đoạt giải C Giải thưởng Báo chí tỉnh Phú Yên năm 2020, giải A Cuộc thi Báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên năm 2020 - PV). Có được 2 tác phẩm trên, tôi đã có một quá trình tích lũy, cộng với một chút may mắn khi thực hiện đúng “điểm rơi” chính sách.
Thêm vào đó, trong hai tác phẩm trên, tôi có sử dụng đồ họa thông tin để minh họa số liệu, đó là sự khác biệt so với các tác phẩm của tôi trước kia. Đó cũng là kết quả của sự mày mò tự học với mong muốn có được cách thể hiện mới hơn.
Tôi rất vui khi các tác phẩm của mình được trao giải thưởng. Sự ghi nhận trên đánh dấu quãng đường 10 năm tôi bước vào nghề và là động lực để tôi tiếp tục đầu tư công sức, thực hiện các tác phẩm báo chí có chiều sâu, có sức nặng hơn trong thời gian tới.
Cứ cố gắng, nỗ lực tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, đến một thời điểm thích hợp, không gian thích hợp thì sẽ thực hiện được những tác phẩm có sức nặng.
Nhà báo Lê Hảo, biên tập viên Báo Phú Yên |
VIỆT YÊN (ghi)