Phú Yên là vùng đất hội cư với 32 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có đặc điểm riêng về phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt…, đặc biệt là âm nhạc, tạo nên bức tranh nghệ thuật dân gian đặc sắc.
Trước nguy cơ bị mai một của nhiều loại hình âm nhạc dân tộc thiểu số (DTTS), việc bảo tồn, gìn giữ mạch nguồn âm nhạc các dân tộc đã và đang được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.
Giai điệu của đại ngàn
Trong không khí vui tươi, phấn khởi của lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích thắng cảnh cấp tỉnh thác H’Ly, tiếng cồng chiêng của đồng bào DTTS ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) thực sự thu hút chúng tôi. Với những âm thanh mang đậm sắc thái của đại ngàn, người nghe như được hòa mình trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa.
Là người có nhiều năm thể hiện các nhạc cụ âm nhạc truyền thống tại các lễ cúng cầu mưa, bến nước, bỏ mả..., ông Ksiu Thắng ở thôn Hà Roi, xã Sông Hinh, chia sẻ: “Ngoài tham gia biểu diễn tại các lễ hội truyền thống, tôi mong muốn thông qua những dịp này để giới thiệu đến mọi người nhiều hơn về nét đặc trưng âm nhạc truyền thống của dân tộc mình, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát triển âm nhạc của đồng bào DTTS ở Sông Hinh nói riêng và bản sắc văn hóa của các DTTS nói chung...”.
Theo ông Nguyễn Như Đông, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, thời gian qua, các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn, kể cả một số đồng bào DTTS ở Tây Bắc đang sinh sống trên địa bàn huyện. Qua đó góp phần giáo dục cho thế hệ trẻhiểu biết về nguồn cội và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. “Cụ thể, huyện Sông Hinh tổ chức định kỳ Liên hoan VH-TT-DL các dân tộc; sưu tầm các loại nhạc cụ, trường ca... của đồng bào các DTTS; trang bị cho 17/36 buôn đồng bào DTTS bộ cồng chiêng arap, trống đôi, cồng ba, chiêng năm; thành lập CLB hát then của người Tày, CLB dân ca người Ê Đê...”, ông Đông cho biết.
Không chỉ Sông Hinh, các địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống như: Sơn Hòa, Đồng Xuân cũng đã tổ chức các hoạt động giữ gìn và bảo tồn âm nhạc truyền thống của đồng bào DTTS như: Liên hoan cồng chiêng ở xã Krông Pa, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa); Lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân)...
Cần sách lược có tính kế thừa
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào DTTS, gồm: Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm và Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên; có 13 CLB dân ca, âm nhạc truyền thống dân tộc ở các thôn, buôn chủ yếu ở huyện Sông Hinh. Ngành Văn hóa và các địa phương đã tổ chức sưu tầm 31 bộ chiêng a ráp với 590 chiếc; cồng ba chiêng năm có 64 bộ, 344 chiếc; trống đôi có 3 cặp và 18 trống cái. Việc tổ chức hoạt động nghệ thuật phục vụ đồng bào DTTS được quan tâm thường xuyên. Tỉnh cũng đã duy trì tổ chức Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên định kỳ 3 năm một lần. Ngoài ra, đồng bào các DTTS còn sử dụng ngôn ngữ của mình để chuyển tải nội dung các bài hát của dân tộc mình (hát Aray) trong các hội thi nghệ thuật quần chúng, Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc.
Theo ông Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, bên cạnh những mặt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghi lễ truyền thống... được lưu giữ chủ yếu trong trí nhớ và truyền miệng, chưa được ghi chép, lưu giữ. Việc tổ chức trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; hát sử thi, dân ca... chưa được thường xuyên, chỉ tập trung tổ chức vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử của tỉnh, đất nước.
“Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, các khu thể thao, vui chơi giải trí, nhất là các nhà sinh hoạt văn hóa, tạo địa điểm để giao lưu dân ca, dân vũ, dân nhạc... Song, trong chiến lược gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có âm nhạc, rất cần có sách lược mang tính kế thừa để các giá trị văn hóa của dân tộc luôn sống với cộng đồng, với thời gian”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Bùi Văn Thành, để bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS giai đoạn 2021-2030, các địa phương cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI).
Bên cạnh đó, cần kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở; quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào DTTS, bảo đảm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời tiếp tục giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch; tổ chức các loại hình nghệ thuật gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...
Trong chiến lược gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có âm nhạc, rất cần có sách lược mang tính kế thừa để các giá trị văn hóa của dân tộc luôn sống với cộng đồng, với thời gian.
Ông Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL |
THIÊN LÝ