Năm nay, dịch COVID đi trước mùa hè. Nhiều gia đình đã phải hủy kế hoạch cho con đi chơi hè, học hè và tham gia nhiều hoạt động bên ngoài. Vậy thì, những quyển sách sẽ là sự lựa chọn phù hợp.
Một cô bé đọc quyển Chuyện anh em nhà Mem và Kya. ẢNH: TRANG DUYÊN |
Bây giờ không cần ra hiệu sách vẫn có thể chọn mua những quyển mình thích thông qua các trang bán hàng online như Tiki, Vietbook, Shopee… Chỉ cần vài cái click chuột hoặc lướt nhẹ ngón tay trên điện thoại là giao dịch đã xong. Sách sẽ được đóng gói kỹ lưỡng, giao đến tận nhà, kèm theo lời cảm ơn từ người bán, người ship hàng…
Người ta nói nhiều đến giá trị/tác dụng của việc đọc sách như: hoàn thiện nhân cách, trau dồi kiến thức, kích thích não bộ, cải thiện khả năng tập trung, củng cố vốn từ và cách hành văn, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, giảm stress… Danh nhân thế giới cũng có nhiều câu để đời về giá trị của việc đọc sách như: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi” (Ray Brandbury), “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay” (Gustave Le Bon), “Chỉ trong sách con người mới biết sự thật, tình yêu và cái đẹp hoàn hảo” (George Bernard Shaw)… Thế nhưng, đối với đứa trẻ, nhất là trẻ con từ 2, 3 tuổi đến 11, 12 tuổi, chúng không cần những lời giáo huấn cao siêu ấy. Sách với chúng đơn giản là niềm vui, là sự mới lạ. Ba, mẹ (người lớn trong nhà) chính là người nắm tay con trẻ lật mở những trang sách để khám phá thế giới thú vị bên trong quyển sách.
Đọc sách như thế nào đối với đứa trẻ chưa biết đọc? Thường thì trẻ 1, 2 tuổi đã có khái niệm về sách, tò mò về vật dụng mà người lớn gọi là sách. Cha mẹ nên mua những quyển truyện tranh cổ tích hoặc những quyển sách có hình các loài hoa, quả, động vật, đồ vật bằng bìa cứng hoặc bằng vải. Cha mẹ sẽ chơi với con bằng cách chỉ cho con đó là gì, màu gì, giống với cái gì, đố lại con… Hãy chọn lựa một số bộ sách hay, đẹp dành cho bé dưới 2, 3 tuổi như bộ sách Chú voi Elmer 4 cuốn, làm bằng bìa cứng, nhỏ gọn, màu sắc đẹp, vui nhộn, giúp bé làm quen với thế giới bên ngoài; bộ sách Cùng chơi với bé 12 cuốn, dạy bé từ cách chào, đánh răng, nói lời cảm ơn, xin lỗi…; bộ sách Ehon Nhật Bản Ai sau lưng bạn thế 6 cuốn, giúp bé chơi với mẹ và khám phá thế giới động vật qua những bức tranh đẹp. Nhiều sách lẻ khác cũng rất thú vị như Chú sâu háu em, Cá vàng trốn đâu rồi nhỉ…
Đối với tuổi từ 4, 5 trở đi, quyển sách Con tự ngủ một mình được rồi chẳng hạn, rất dễ thương và hữu ích không ngờ. Đây là một quyển truyện tranh Nhật Bản của tác giả Akyo Kimi, do Kako Hasegawa vẽ minh họa và Chi Anh chuyển ngữ. Quyển sách như một trò chơi thú vị, khi bé đọc và phát hiện ra cô bé Makurako (nhân vật chính trong truyện) nay tự mặc được quần áo, nhảy dây được 10 cái, có thể ăn cà rốt và quan trọng nhất là tự ngủ một mình. Các mẹ trẻ thường căng thẳng vì không dỗ được con 5 tuổi ngủ riêng. Có gì mà mẹ và cả nhà phải lo lắng chứ, vì Makurako đã phát hiện ra kế hoạch ngủ riêng bằng cách lập bảng phân công mỗi tối sẽ ngủ cùng một bạn thú bông. Đơn giản vậy thôi! Chỉ sợ là các bà mẹ quấn con sau khi dụ dỗ con ngủ riêng được rồi thì lại thấy trống vắng, lại muốn lôi kéo con thơ bé trở lại!
Một quyển sách dành cho thiếu nhi nữa cũng rất hay đó là cuốn Hành trình đầu tiên của Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên. Tác phẩm kể về hành trình đầu tiên của một cậu bé tên An. Mùa nước nổi vùng Tây Nam Bộ, một buổi sáng nọ, khi ba mẹ đã đi hái bông điên điển từ sáng sớm, An đã một mình chèo thuyền ra khỏi nhà để bắt đầu hành trình đầu tiên của mình… Hành trình đầu tiên đã vượt qua hàng trăm câu chuyện được gửi về từ khắp châu Á để đoạt giải thưởng cao nhất cuộc thi Scholastic Picture Book Award 2015 tại Singapore. Lấy cảm hứng từ hình ảnh những bạn nhỏ vùng Tây Nam Bộ phải một mình chèo thuyền để di chuyển, hai tác giả “hy vọng quyển sách không chỉ là lời chào thân ái từ Việt Nam đến bạn bè thế giới, mà còn là món quà cho trẻ em trong nước, với những hình ảnh minh họa đặc sắc về vùng đồng bằng sông Cửu Long tươi đẹp và đáng tự hào” (theo Fahasa.com).
Một quyển sách cũng đang được các mẹ và các bạn nhỏ chú ý là quyển Chuyện anh em nhà Mem và Kya của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Tác phẩm là tập hợp những câu chuyện nho nhỏ của Mem và Kya vốn là hai anh em họ. Hai bạn còn nhỏ xíu thôi nhưng lại cảm thấy có rất nhiều điều muốn kể. Thế là hai anh em quyết định thuê một thư ký để ghi chép lại chuyện của mình cho mọi người cùng đọc. Sau rất nhiều lựa chọn, cả hai đã thuê ông nội của Mem và cũng là ông ngoại của Kya. Hai anh em sẽ thay phiên nhau kể, và ông sẽ ghi chép lại. Ông đã trở thành người thư ký trung thành, ghi lại bao suy nghĩ, tâm tư, bao lời nói, hành động đáng yêu của hai bạn từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên, chẳng hạn như: lần đầu Kya từ Mỹ về thăm quê ngoại, khi Mem mọc răng, khi Mem lần đầu đón Tết Trung thu, khi Kya tè dầm... Chuyện anh em nhà Mem và Kya là do nhà văn Nguyễn Quang Thiều, người năm nay đã 64 tuổi, viết nhưng giọng điệu kể chuyện trong quyển sách này lại rất trẻ con. Nhà văn đã hóa thân thành Kya và Mem (cũng chính là cháu của nhà văn) để kể chuyện nên chúng ta sẽ cảm thấy như đang nghe hai bạn nhỏ kể vậy. Quyển sách tuy chỉ là các chuyện thường ngày của hai anh em nhưng qua đó, chúng ta cũng sẽ cảm nhận được những thông điệp ý nghĩa mà tác giả muốn chuyển tải về sự trong trẻo của thế giới trẻ thơ. Tác phẩm đã được chọn để trao giải thưởng Hiệp sĩ Dế mèn 2020 - một giải thưởng dành cho các trình diễn và sáng tác của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi của Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam).
Vậy đó, bên cạnh việc chơi với con, chăm sóc con, cha mẹ cùng con đọc sách để giáo dục con, để con rời xa điện thoại và làm giảm sự bức bối khó chịu vì con phải ở nhà suốt ngày. Không những thế, sách còn dạy cho các bậc cha mẹ nhiều thứ, giúp chúng ta khám phá và nhìn ngắm thế giới bằng con mắt và tâm hồn trẻ thơ.
Cha mẹ cùng con đọc sách để giáo dục con, để con rời xa điện thoại và làm giảm sự bức bối khó chịu vì con phải ở nhà suốt ngày. Không những thế, sách còn dạy cho các bậc cha mẹ nhiều thứ, giúp chúng ta khám phá và nhìn ngắm thế giới bằng con mắt và tâm hồn trẻ thơ. |
TRANG DUYÊN