Món quà tri ân vùng đất Nam Trung Bộ

Thứ bảy - 12/06/2021 22:16
“Sau dáng vẻ thân thương của gốm là những câu chuyện về lịch sử - văn hóa dài lâu của một vùng đất”.

“Sau dáng vẻ thân thương của gốm là những câu chuyện về lịch sử - văn hóa dài lâu của một vùng đất”. Tất cả được nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc cùng nhà báo Trần Thanh Hưng tái hiện khá trọn vẹn và thú vị trong cuốn sách Gốm Nam Trung Bộ, món quà tri ân vùng đất đầy nắng gió, đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa độc đáo.

 

Để có được món quà tri ân công phu và đẹp mắt này, nhà báo, nhà sưu tập Trần Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu & Bảo tồn cổ vật Phú Yên, đã có gần 30 năm tìm tòi, tích lũy “vốn liếng”. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, khi đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, vẫn hăm hở đi điền dã dọc vùng Nam Trung Bộ, đến những nơi từng là làng gốm nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.

 

Hai tác giả nhận được sự giúp đỡ của các nhà sưu tầm, nghiên cứu gốm sứ Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi), Nguyễn Vĩnh Hảo (Bình Định), Đoàn Phước Thuận (Phú Yên), Mang Tấn Phong (Khánh Hòa), Bùi Văn Thuật (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Tuấn (Lâm Đồng), Võ Minh Luân (Đắk Lắk)... và sự đồng hành của Công ty CP Truyền thông tốc độ TP Hồ Chí Minh Speed POS.

 

Những hành trình và gặp gỡ bởi đam mê

 

Anh Trần Thanh Hưng nhớ lại: “Năm 1993, sau trận lụt lớn làm phát lộ phế tích gốm Quảng Đức, tôi mời thầy Nguyễn Đình Chúc và anh Nguyễn Danh Hạnh (nay là Phó Trưởng Ban quản lý Di tích, Sở VH-TT-DL-PV) cùng về làng Quảng Đức để tìm hiểu và may mắn gặp được 2 nghệ nhân cuối cùng biết về gốm cổ Quảng Đức, là cụ Nguyễn Thịnh và cụ Nguyễn Dần; một nghệ nhân cao niên khác là cụ Nguyễn Ky vừa mất ở tuổi 85. Chúng tôi đã tìm hiểu về gốm cổ, ghi chép, chụp ảnh và lưu giữ để làm tư liệu.

 

Sách Gốm Nam Trung Bộ. Ảnh: YÊN LAN

 

Trong quãng thời gian làm việc tại VTV Phú Yên, tôi có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu thị trường tiêu thụ gốm Quảng Đức trong thời vàng son của dòng gốm này, về mối tương đồng cũng như sự khác biệt của gốm Quảng Đức với các dòng gốm Nam Trung Bộ. Từ những ghi chép đó, tôi dự định sẽ làm một cuốn sách về gốm cổ Quảng Đức Phú Yên, phiên bản sách điện tử”.

 

Khi nghe nhà báo Trần Thanh Hưng chia sẻ về ý tưởng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc góp ý rằng nếu “dừng lại” ở gốm cổ Quảng Đức thì quá uổng cho một câu chuyện hấp dẫn. Vậy là hai thầy trò quyết định mở rộng đề tài. Với nhiệt huyết của một người đam mê văn hóa, văn nghệ dân gian, dù tuổi đã cao nhưng thầy Nguyễn Đình Chúc vẫn xung phong đi điền dã. Nhà báo Thanh Hưng kết nối thầy Chúc với các nhà nghiên cứu, sưu tập gốm cổ trên dải đất Nam Trung Bộ. Và thầy Chúc hăm hở lên đường.

 

Ra Hội An, đến làng gốm Thanh Hà bên bờ sông Thu Bồn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc gặp một gia đình đã 5 đời gắn bó với nghề gốm. Vào Quảng Ngãi, ông lưu lại với nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh 2 ngày, tìm hiểu về làng gốm Châu Ổ - Mỹ Thiện. Ông Lâm Dũ Xênh là nhà sưu tầm cổ vật có tiếng ở miền Trung, người làm nghề thuốc để “nuôi” niềm đam mê gốm sứ, người “thà chịu nợ chứ không bán cổ vật”.

 

Vô Bình Định, ông gặp Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bình Định Trần Xuân Toàn và nhà sưu tập gốm Chăm cổ Nguyễn Vĩnh Hảo, người có cả một bảo tàng gốm Gò Sành. Họ giúp ông “ngược thời gian”, tìm hiểu về làng gốm Chămpa Bình Định, về gốm Gò Sành nổi tiếng. Vào Khánh Hòa, ông đến làng gốm Lư Cấm ở Nha Trang, nơi các thợ gốm vẫn cần mẫn làm ra một số sản phẩm đất nung phục vụ đời sống và kể những câu chuyện về thời hoàng kim của làng nghề này, rồi đến làng gốm Trung Dõng ở Vạn Ninh. Đặt chân đến vùng đất cực Nam Trung Bộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc tìm hiểu nghề gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) và nghề gốm Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), gặp nghệ nhân Đơn Thị Hiệu, người theo nghề gốm từ khi mới 15 tuổi, năm đó bà đã 79 tuổi. Năm 1996, 4 thành viên trong gia đình nghệ nhân Đơn Thị Hiệu được mời sang Nhật thao diễn kỹ thuật nung gốm cùng nghệ nhân đến từ nhiều nước khác, trong sự kiện có chủ đề “Thế giới qua ngọn lửa” tại một làng gốm thuộc TP Osaka.

 

“Sau những chuyến điền dã, hai thầy trò dành thời gian để lên đề cương, sắp xếp bố cục rồi liên lạc với các nhà sưu tập trong khu vực để có thêm hình ảnh cho phần phụ lục”, thầy Nguyễn Đình Chúc cho biết. Sách về gốm sứ, phần hình ảnh rất quan trọng, giúp các nhà nghiên cứu không có dịp xem trực tiếp thì xem qua ảnh, biết được hình dáng, màu sắc, họa tiết trên từng hiện vật. “Hai thầy trò liên hệ với các nhà sưu tập trong khu vực và có được hơn 300 ảnh in màu. Chưa đầy đủ hết đâu nhưng như thế cũng ổn. Và chúng tôi may mắn có những người tâm huyết hỗ trợ thêm để cuốn sách sớm ra mắt bạn đọc”, nhà sưu tập Trần Thanh Hưng chia sẻ.

 

Món quà tri ân

 

Cuốn sách Gốm Nam Trung Bộ gồm 9 chương, giới thiệu sơ lược về vùng đất, cư dân, về gốm và đưa người đọc đi từ nghề gốm tỉnh Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng thời nêu bật những đặc trưng gốm Nam Trung Bộ với gốm miền Bắc và Nam Bộ. Trong cuốn sách này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc viết về vùng đất, con người, làng nghề, nghệ nhân…, nhà báo Trần Thanh Hưng viết về kỹ thuật chế tác, đặc trưng của từng dòng gốm… Đây là một công trình hài hòa, vừa có nghiên cứu chuyên sâu vừa có hơi thở của đời sống.

 

Nhà báo - nhà sưu tập cổ vật Trần Thanh Hưng trao đổi với tác giả về gốm cổ Quảng Đức, trong dịp tác giả đến tham quan bộ sưu tập gốm cổ tại nhà anh. Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Trong cuốn sách công phu này, nghề gốm tỉnh Phú Yên được giới thiệu ở chương II, cung cấp rất nhiều thông tin lý thú cho bạn đọc mà gốm Quảng Đức là điểm nhấn. Từ yếu tố địa lý, văn hóa, lịch sử của vùng đất bên dòng sông Cái (huyện Tuy An), các vị tổ nghề đến phương pháp chế tác gốm Quảng Đức được 2 tác giả tái hiện sinh động. “Trên thế giới, việc sử dụng vỏ sò để làm tăng nhiệt độ lò trong quá trình nung đã xuất hiện từ khá sớm. Song, việc sử dụng sò huyết như một “phụ gia” tạo nên hiện tượng hỏa biến trong quá trình nung, làm nên nhiều sắc màu cho sản phẩm thì chỉ có ở gốm cổ Quảng Đức...

 

Các nghệ nhân chế tác gốm cổ Quảng Đức kể rằng ban đầu, họ đưa sò huyết Ô Loan vào trong lò nung gốm để được “một công đôi việc”, ra lò vừa có gốm vừa có vôi. Nhưng sò huyết Ô Loan thời bấy giờ quá nhiều, không ai chờ ăn con sò rồi mới lấy vỏ nung vôi, mà người ta cho nguyên con sò sống vào nung. Chính sự “ngẫu hứng” này của nghệ nhân đã làm cho gốm cổ Quảng Đức có những dấu hiệu nhận diện và màu men vô cùng độc đáo, không lẫn vào đâu được. Hỏa biến và hoàn nguyên trong nung gốm cũng góp phần cho cuộc chơi “ngẫu hứng” của các nghệ nhân gốm cổ Quảng Đức chế tác được những sản phẩm có một không hai”, nhà báo Trần Thanh Hưng viết trong Gốm Nam Trung Bộ.

 

Tác giả cho biết thêm, hiện tượng hỏa biến là do sức nóng của lửa tạo nên trong lò nung, hình thành màu men xám tro, đen, không đồng đều trên gốm. Hiện tượng hoàn nguyên là khi các sản phẩm đã nung chín, thợ nung bít chặt cửa lò và lối thoát hơi, lò nung lúc này không còn oxy, và trong quá trình nguội dần màu men của sản phẩm “hoàn” trở lại với màu của “nguyên” liệu tự nhiên dùng phủ men như màu men xanh của oxit sắt (hoàn nguyên từ màu vàng đổ ra màu xanh lá cây), màu men đỏ, gọi là men huyết đỉa của oxit đồng… thường thấy trên gốm cổ Quảng Đức.

 

“Sau dáng vẻ thân thương của gốm, là những câu chuyện về lịch sử - văn hóa dài lâu của một vùng đất vốn một thời là vùng biên viễn Phú Yên, nằm trong thừa tuyên Quảng Nam đạo của Đại Việt thời Lê Thánh Tông” (Gốm Nam Trung Bộ). Sách dày 204 trang, bìa cứng, khổ sách 20x26cm. Phần phụ lục có bài viết của một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

 

Trong bối cảnh dịch COVID-19, 2 tác giả không tổ chức ra mắt, sách được phát hành online.

 

“Với tôi và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, đây là một công trình có nhiều kỷ niệm và là món quà tri ân vùng đất Nam Trung Bộ đầy nắng gió đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa độc đáo, không lẫn vào đâu được”, nhà báo Trần Thanh Hưng chia sẻ.

 

“Trên vùng đất Nam Trung Bộ - Tây Nguyên có nhiều di sản văn hóa, gốm được xem là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu. So với các di sản khác thì gốm sứ khó lưu giữ vì chúng dễ vỡ. Qua hàng trăm năm, những gì còn trong dân gian, trong các bộ sưu tập là rất đáng trân trọng”.

 

Nhà báo - nhà sưu tập Trần Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CLB UNESCO

Nghiên cứu & Bảo tồn cổ vật Phú Yên

 

YÊN LAN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp