Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc và nhà báo Trần Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CLB UNESCO Nghiên cứu & Bảo tồn cổ vật, vừa giới thiệu với những người yêu gốm sứ và bạn đọc cuốn sách Gốm Nam Trung Bộ.
Sách Gốm Nam Trung Bộ. Ảnh: YÊN LAN |
Sách gồm 9 chương, giới thiệu sơ lược về vùng đất, cư dân, về gốm và đưa người đọc đi từ nghề gốm tỉnh Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng thời nêu bật những đặc trưng gốm Nam Trung Bộ với gốm miền Bắc và Nam Bộ. Phần phụ lục có bài viết của một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Gốm Nam Trung Bộ dày 204 trang, bìa cứng, khổ sách 20x26cm.
Nhà báo Trần Thanh Hưng cho biết: Ý định về một cuốn sách nhỏ có tên Gốm cổ Quảng Đức được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc động viên, cộng tác để trở thành tác phẩm Gốm Nam Trung Bộ - một phác thảo rộng hơn về các dòng gốm Nam Trung Bộ, từ gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi), gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Quảng Đức (Phú Yên) đến gốm Lư Cấm (Khánh Hòa), gốm Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận).
Cuốn sách Gốm Nam Trung Bộ ra đời có sự giúp đỡ của các nhà sưu tầm, nghiên cứu gốm sứ Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi), Nguyễn Vĩnh Hảo (Bình Định), Đoàn Phước Thuận (Phú Yên), Mang Tấn Phong (Khánh Hòa), Bùi Văn Thuật (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Tuấn (Lâm Đồng), Võ Minh Luân (Đắk Lắk)... và sự đồng hành của Công ty CP Truyền thông tốc độ TP Hồ Chí Minh Speed POS.
“Với tôi và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, đây là một tác phẩm có nhiều kỷ niệm và là món quà tri ân vùng đất Nam Trung Bộ đầy nắng gió đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa độc đáo, không lẫn vào đâu được”, nhà báo Trần Thanh Hưng chia sẻ.
YÊN LAN