Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Nghệ sĩ ưu tú Hải Yến: Hát bằng tình yêu qua những thăng trầm

Chủ nhật - 23/10/2022 02:26
Là con nhà nòi, nghe câu vọng cổ và những điệu lý khi còn nằm trong bụng mẹ, có thể nói với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hải Yến, sân khấu cải lương chính là duyên tiền định của cuộc đời. Trên sân khấu đầy quyến rũ này, người con của quê hương Đồng Tháp đã tỏa sáng.
Nghệ sĩ ưu tú Hải Yến: Hát bằng tình yêu qua những thăng trầm

Là con nhà nòi, nghe câu vọng cổ và những điệu lý khi còn nằm trong bụng mẹ, có thể nói với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hải Yến, sân khấu cải lương chính là duyên tiền định của cuộc đời. Trên sân khấu đầy quyến rũ này, người con của quê hương Đồng Tháp đã tỏa sáng.

 

Nghệ sĩ Ưu tú Hải Yến và ThS - nghệ sĩ Nam Thanh Phong biểu diễn một trích đoạn cải lương tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

 

Sau rất nhiều năm, NSƯT Châu Hải Yến trở lại Phú Yên. Đây không phải là chuyến đi biểu diễn cùng Đoàn Văn công Đồng Tháp như ngày trước, mà là giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân trên vùng đất thuộc miền duyên hải Nam Trung Bộ, dù xa cái nôi cải lương và đờn ca tài tử nhưng vẫn âm thầm nuôi dưỡng niềm đam mê.

 

Báo Phú Yên đã trò chuyện với nghệ sĩ Hải Yến, hiện là Trưởng Phân hội Sân khấu thuộc Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp.

 

* Thưa chị, từ khi nào chị cảm nhận được vẻ đẹp của cải lương?

 

- Tôi lớn lên trong cái nôi sân khấu cải lương. Ông nội tôi theo nghề này, rồi đến ba mẹ tôi cũng theo nghề. Cho nên từ trong bụng mẹ, tôi đã nghe hát cải lương rồi. Và từ nhỏ, tôi đã thấm những câu hò điệu lý. Rất yêu thích. Cho nên khi được theo cha mẹ làm nghề thì tôi rất mê.

 

* Ai là người đầu tiên dạy chị hát cải lương?

 

- Ông nội tôi dạy. Ông nội là nhạc sĩ Ba Kiệm - anh ruột của nghệ sĩ Thành Được. Ba tôi là nghệ sĩ Thành Bé, mẹ là nghệ sĩ Hoa Lệ, trước đây là diễn viên thuộc Đoàn Cải lương Tháp Mười A, tỉnh Đồng Tháp.

 

5 tuổi, tôi đã biết hát cải lương rồi. Đến tuổi học chữ, tôi vừa học chữ vừa học hát. Từ nhỏ, tôi đã nghĩ mình sẽ là nghệ sĩ cải lương.

 

* Có lẽ chị vẫn còn nhớ những cảm xúc trong lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu?

 

- Hồi đó Đoàn Cải lương Tháp Mười A có một cơ sở để con các nghệ sĩ ở đó, vừa học văn hóa vừa được các cô chú dạy hát, và lập một đoàn hát gọi là Đoàn Đồng ấu Tháp Mười. Nghỉ hè, con các nghệ sĩ đi theo cha mẹ. Năm 6 tuổi, tôi cũng đi theo và được tham gia diễn trích đoạn Nhụy Kiều tướng quân lúc đầu giờ, trước khi người lớn biểu diễn. Lúc đó, vở Nhụy Kiều tướng quân rất được khán giả ưa chuộng.

 

Lần đầu tiên lên sân khấu biểu diễn, tôi không sợ, không run gì hết. Tôi thích hát, được cho hát nên bước ra sân khấu là hát thôi.

 

Hồi đó, ba mẹ tôi đi diễn chung với cô Diệu Hiền (NSƯT Diệu Hiền, người được mệnh danh Đệ nhất đào võ của sân khấu cải lương - PV), chú Hoài Thanh (nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh)... Tôi thích hát những câu vọng cổ mà cô Diệu Hiền hát. Từ nhỏ tôi đã nghĩ mình là nghệ sĩ và nói: “Lớn lên con sẽ lấy nghệ danh là Thanh Nga Diệu Hiền Hoa Lệ Yến”, vì mẹ tôi tên là Hoa Lệ, còn cô Thanh Nga, Diệu Hiền là thần tượng của tôi.

 

* Sau thời kỳ hoàng kim, sân khấu cải lương trầm lắng. Những nghệ sĩ như chị nuôi dưỡng đam mê và làm thế nào để tiếp tục gắn bó với nghề?

 

- Trước đây, tôi là diễn viên Đoàn Cải lương Tháp Mười A. Năm 1998, khi Đoàn Cải lương Tháp Mười A không còn hoạt động, tôi về Đoàn Văn công Đồng Tháp và gắn bó cho đến năm 2018.

 

Tôi cùng các nghệ sĩ ở Đồng Tháp đã nhiều lần đến Phú Yên, biểu diễn tại Tuy Hòa và các vùng lân cận. Cứ mùa nắng thì diễn ở miền Tây, đến lúc miền Tây vào mùa mưa thì ra miền Trung diễn.

 

Khi sân khấu cải lương đã qua thời hoàng kim, chúng tôi vẫn biểu diễn phục vụ khán giả suốt, có điều không bán vé mà thôi. Sau này, lượng khán giả đến với sân khấu giảm, mình cũng phải tìm cách khác để đến với công chúng, như tham gia các chương trình của đài truyền hình, làm giám khảo các cuộc thi, gameshow liên quan đến cải lương và tham gia truyền nghề cho những người yêu thích cải lương.

 

Từ phong trào văn nghệ quần chúng, từ các cuộc thi nhỏ ở xã, ở phường và các gameshow, mình phát hiện những giọng ca, từ đó chia sẻ với họ về loại hình nghệ thuật này. Biết họ có năng khiếu thì mình dìu dắt. Họ không phải diễn viên. Họ làm những ngành nghề khác nhau nhưng yêu thích cải lương và được dìu dắt thì có động lực để theo. Họ thành lập nhóm biểu diễn trong các chương trình của Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật, của tỉnh. Tôi đã mở lớp đào tạo những tài năng mới, phục vụ sân khấu cải lương và đờn ca tài tử.

 

* Chị có thể chia sẻ về những cảm xúc của mình khi trở lại Phú Yên?

 

- Lâu rồi tôi mới trở lại Phú Yên; mười mấy năm rồi đó. Bây giờ Tuy Hòa thay đổi quá nhiều, nhìn hổng ra luôn. Rất là đẹp!

 

Hay nhất là một tỉnh ở miền Trung như Phú Yên mà bảo tồn được đờn ca tài tử. Tôi rất bất ngờ khi giao lưu với các anh chị mến mộ cải lương, đờn ca tài tử ở đây. Họ đam mê nên tập luyện thường xuyên. Điều này rất đáng quý! Ở đây, tại miền Trung, không làm nghề nhưng các anh chị vẫn giữ, vẫn đam mê. Tôi rất xúc động và khâm phục các anh chị.

 

* Xin cảm ơn chị!

 

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp