Vượt lên những thử thách, nhạc sĩ Ngọc Quang miệt mài sáng tác. Niềm đam mê âm nhạc đã tạo năng lượng lớn cho ông.
Trong số những đứa con tinh thần mới đây, có vẻ như nhạc sĩ Ngọc Quang hài lòng với Nghinh phong và Ơi cái gió Tuy Hòa. Một ca khúc “đậm đặc” tuồng, từ hình ảnh nghinh phong chuyển tải khát vọng quê hương hội nhập và phát triển; một ca khúc “rặt” bài chòi, mượn hình ảnh gió Tuy Hòa để nói lên truyền thống của quê hương. Đó là hai trong số rất nhiều ca khúc đã ra đời kể từ khi nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Quang không còn bận bịu với vai trò Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Ông cười: “Bây giờ rảnh mà, ở nhà, có thời gian nên viết nhiều hơn”.
Chỉ tính riêng trong vòng gần 2 năm nay, nhạc sĩ Ngọc Quang đã sáng tác gần 20 nhạc phẩm, đó là chưa kể một số ca khúc được “đặt hàng”. Ông chia sẻ: “Mình có nhiều trải nghiệm. Bây giờ, có ý tưởng thì cảm xúc bật ra thôi. Mình phải tạo cảm hứng cho mình. Trong sáng tác, ngoài cảm hứng còn có kỹ năng. Kỹ năng là quan trọng. Nếu chỉ chờ cảm hứng thì biết đến bao giờ mới có tác phẩm?”.
Điều thú vị là dường như càng có tuổi, nhạc sĩ quê ở An Dân (Tuy An) càng có nhiều ca khúc mang sắc màu tươi trẻ. Có lẽ, bằng trải nghiệm và vốn sống, ông biết cách làm cho tâm hồn mình trẻ trung, tươi mới.
Trong hàng chục ca khúc ra đời trong thời gian gần đây, Trước cửa thiền là nhạc phẩm có sự khác biệt. Nhạc sĩ Ngọc Quang đã dùng giai điệu để những câu thơ của Đinh Xuân Trường day dứt thấm vào tim người nghe. “Chưa tìm được cho em mái tóc/ Tôi thấy đâu gió cũng là roi/ Đêm nông nổi A Di Đà Phật. Giận vầng trăng lơi lả bên trời/ Chưa tìm được cho em mái tóc/ Tôi lên chùa nhặt tiếng mõ rơi/ Bao tiếng mõ mới đầy sợi tóc/ A Di Đà mắt nến chơi vơi…”.
Là một nhạc sĩ luôn tràn đầy năng lượng sáng tạo, ngay cả trong khoảng thời gian vất vả chiến đấu với căn bệnh ung thư, nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Quang có “gia tài” tác phẩm rất đáng nể, nhiều nhất là các ca khúc về quê hương và tình khúc. Ông nói: “Tôi vừa tổng hợp lại các tác phẩm của mình về quê hương. Một con số mà chính tôi cũng bất ngờ: Có trên 30 ca khúc viết về quê hương Phú Yên”. Có lẽ, trên mảnh đất này, Ngọc Quang là nhạc sĩ viết về quê hương mình nhiều nhất. Nhiều ca khúc của ông đã được phổ biến rộng rãi, như: Yêu lắm quê mình, Hồn đá, Thạch Bi sơn, Câu hát trao duyên, Đá Đĩa quê tôi, Lời mời Phú Yên, Về Phú Yên quê anh, Đêm Tuy Hòa, Hẹn nhau về xứ nẫu, Tuy Hòa ngày mới, Thương lắm Phú Yên ơi, Đêm Sông Ba, Biển Phú Yên da diết gọi nhau về...
Nhạc sĩ Ngọc Quang thường sáng tác rất nhanh, song có một số ca khúc được ông ấp ủ và đến một lúc nào đó, sau khi được “nén” chặt, giai điệu, ca từ bật ra. Sau rất nhiều năm, nghe lại Yêu lắm quê mình, Hồn đá, Thạch Bi sơn… vẫn thấy hay, vẫn ắp đầy cảm xúc. Những ca khúc trên của nhạc sĩ Ngọc Quang đã giúp các ca sĩ mang về nhiều huy chương vàng, huy chương bạc trong các cuộc thi, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Nhạc sĩ Ngọc Quang cũng là người sáng tác nhiều ca khúc về biển đảo. CD và tập nhạc Thương lắm Trường Sa ơi ra đời vào cuối năm 2015 với 10 ca khúc về biển đảo, về người lính là món quà đặc biệt của ông dành tặng những người lính đang ngày đêm bảo vệ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông.
Hai bản nhạc “lạ”, mang sắc màu khác biệt của nhạc sĩ Ngọc Quang được nhiều người yêu thích là Oan khúc Lệ Chi viên và Uống với Mù Cang Chải. Để sáng tác Oan khúc Lệ Chi viên, nhạc sĩ đã nhiều lần đến Côn Sơn (tỉnh Hải Dương) và đọc rất nhiều sách. “Viết về danh nhân Nguyễn Trãi thì phải có sự đầu tư, không thể hời hợt; phải hiểu tường tận và tìm góc độ nào đó để khai thác, cho người nghe dễ cảm nhận”, ông chia sẻ sau khi trình làng Oan khúc Lệ Chi viên và được những người yêu nhạc đón nhận. Còn để có nhạc phẩm Uống với Mù Cang Chải, ông phải tìm hiểu về văn hóa, về nếp sinh hoạt của bà con người H’Mông trên vùng núi cao Tây Bắc. Người thể hiện thành công những ca khúc “góc cạnh” của nhạc sĩ Ngọc Quang là ca sĩ Quang Thơm (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển).
Không chỉ sáng tác ca khúc, nhạc sĩ sinh năm 1955 này còn tự hòa âm phối khí cho đứa con tinh thần của mình. Vì tình yêu quá lớn dành cho âm nhạc, ông mày mò tìm hiểu, sử dụng các thiết bị, công nghệ phòng thu. “Hòa âm phối khí góp phần rất quan trọng vào sự thành công của ca khúc”, ông nói.
Sáng tác nhiều như vậy nhưng khi được hỏi về tác phẩm ưng ý nhất, nhạc sĩ Ngọc Quang cười. Ông hóm hỉnh: “Con mình, đứa nào mà không đẹp, không ngon”. Với một nhạc sĩ xem âm nhạc là tình yêu lớn nhất đời mình, tác phẩm tâm đắc nhất vẫn còn ở phía trước.
Anh Ngọc Quang rất đam mê âm nhạc. Cả ngày ảnh ngồi với dàn máy, tập trung cho việc sáng tác. Đó là điều đáng quý đối với một nghệ sĩ. Chính niềm đam mê âm nhạc và năng lượng sáng tạo đã giúp ảnh vượt lên bệnh tật.
Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển |
YÊN LAN