Ở tuổi 98, bậc lão thành Trần Mai Châu vừa từ giã cõi trần giữa đại dịch COVID-19 vào sáng 4/8 tại nhà riêng ở Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Ông là dịch giả tác phẩm nổi tiếng Thơ Pháp thế kỷ XIX được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng năm 1997 về văn học dịch. Thương tiếc ông, nhiều học trò và người yêu văn chương nghiêng mình đưa tiễn từ xa…
Nhà thơ - dịch giả Trần Mai Châu. Ảnh: TL |
Tin buồn nhà giáo - nhà thơ - dịch giả Trần Mai Châu ra đi do PGS.TS Huỳnh Như Phương báo cho tôi. Sinh thời, giữa bậc lão thành Trần Mai Châu với thầy Huỳnh Như Phương và tôi có mối quan hệ thâm tình về văn chương.
Trần Mai Châu quê ở Hà Nội nhưng sinh ở Sơn La năm 1924, do cha là một bác sĩ lên làm việc ở đây. Khi gia đình chuyển về Hải Phòng, Trần Mai Châu vào học trường tiểu học rồi cao đẳng tiểu học (nay là trường Ngô Quyền) cùng lớp với Nguyễn Đình Thi, nhà thơ - nhạc sĩ sau này…
Sau khi vào Nam, Trần Mai Châu ghi danh học Đại học Văn khoa và tốt nghiệp cử nhân Pháp văn năm 1962, đi dạy ngoại ngữ. Ông có hơn 10 năm làm hiệu trưởng Trường trung học tổng hợp Lý Thường Kiệt ở Hóc Môn, Gia Định. Đất nước thống nhất năm 1975, ông chuyển về dạy học ở Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh cho tới lúc nghỉ hưu.
Rời nhà trường cũng là lúc Trần Mai Châu quay trở lại với sáng tạo, nghiên cứu văn học. Tình yêu và niềm đam mê lớn lao đối với vẻ đẹp văn chương đã giúp ông vượt qua tuổi tác, trở thành một dịch giả khi đã bước vào tuổi “cổ lai hy”.
Năm 1987, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh nhờ Trần Mai Châu dịch Bến bờ tình yêu của Olex Gontra (Liên Xô) qua bản dịch tiếng Anh của David Sinclair. Tác phẩm dịch thành công và được xuất bản. Hai năm sau, nhân kỷ niệm Cách mạng Pháp, cũng nhà xuất bản trên đặt hàng ông dịch và xuất bản cuốn Các hung thần lên cơn khát (Lex dieux ont soif) của Anatole France. Ngoài ra, ông còn dịch tập truyện ngắn Giấc mơ khủng khiếp của Agatha Christie cho NXB An Giang và cuốn Người đội trưởng đội đặc nhiệm của Nguyễn Văn Lộc cho NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, thơ đối với nhà giáo kỳ cựu này luôn có một sự cuốn hút, một tình yêu đặc biệt. Khởi điểm là năm 1992, khi đã nghỉ hưu, thấy người bạn Cao Bá Vũ say sưa dịch thơ Đường, nên cái “máu” thơ âm ỉ từ lâu trong ông nổi lên và ông cao hứng dịch thơ Pháp. Thời trẻ Trần Mai Châu từng dấn thân vào con đường sáng tác thi ca, nhưng không thành công, bây giờ về già ông lại lao vào dịch thơ và may mắn hơn. Tác phẩm Thơ Pháp thế kỷ XIX do NXB Trẻ ấn hành năm 1996 và được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng năm 1997 về văn học dịch là một phần thưởng đáng trân trọng và đó cũng là một bước đột phá ngoạn mục cuối đời của Trần Mai Châu - một nhà giáo mang trái tim thi sĩ.
Nhận định về tuyển dịch Thơ Pháp thế kỷ XIX, nhà phê bình văn học Trần Thanh Đạm viết: “Cũng như Tản Đà, Nhượng Tống khi dịch thơ Đường, hay Tố Hữu, Xuân Diệu khi dịch thơ Tây, Trần Mai Châu đã chọn một cách dịch thích hợp. Điều đó cũng không có gì lạ. Cống hiến của anh là đã thực hiện cách dịch trên không chỉ đối với một bài mà đối với một số lượng lớn các bài thơ Pháp tiêu biểu nhất của thế kỷ XIX thuộc đủ các trường phái khác nhau”.
Còn nhà phê bình Huỳnh Như Phương thì nhận định: “Có thể mượn lời của James Mc Gowan, người dịch Les Fleurs du Mal của Baudelaire sang tiếng Anh, để nói về những dịch giả thành công, trong đó có Trần Mai Châu: “Tôi hoạt động như một nhà thơ khi thực hiện những bản dịch của tôi, và như một nhà thơ, tôi hy vọng phục vụ cả Baudelaire lẫn người đọc hiện đại”… Điều khiến Trần Mai Châu đắc ý nhất là hầu hết những bài thơ dịch đó, nhờ nhạc điệu, đều có thể được ngâm lên chẳng khác nào những bài thơ Việt”.
Sinh thời, nhìn lại tác phẩm của mình, dịch giả Trần Mai Châu tâm sự: “Trước đây, thơ Pháp được dịch sang tiếng Việt thường do một nhóm người thực hiện chung trong một tuyển tập. Cũng có dịch giả chuyên dịch giới thiệu thơ của một thi sĩ nào đó, chẳng hạn Vũ Đình Liên dịch thơ Charles Baudelaire, hay Hoàng Hưng dịch thơ Guillaume Apollinaire… Tuy nhiên, chưa có người nào dịch nhiều nhà thơ Pháp như tôi, tất cả in trong một tuyển tập. Tôi nhận thấy đa số dịch giả Việt Nam chỉ chú trọng đến ý tưởng, tình cảm chứ không chú trọng đến lời thơ. Mà một bài thơ hay phần chính là do lời thơ chứ đâu phải do ý tưởng, tình cảm. Phần đông cũng dịch cho tạm xuôi là xong. Nhưng những bài thơ mình dịch là những bài thơ hay nhất của một thi sĩ ngoại quốc nổi tiếng, nếu mình đưa ra những bản dịch tầm thường thì phản bội lại họ”.
Vâng, có đọc hơn một trăm bài tuyển dịch thơ của 25 thi sĩ trong Thơ Pháp thế kỷ XIX mới thấy những nhận xét và bày tỏ trên là đúng đắn. Mỗi tác giả một phong cách. Mỗi tác giả thuộc về một khuynh hướng, một trường phái: lãng mạn, thi sơn, tượng trưng. Cái khó của người dịch là làm sao hiểu và thể hiện được thần thái riêng biệt của từng bài thơ, từng tác giả. Và chỉ với tác phẩm này, dấu ấn Trần Mai Châu để lại trong đời sống văn học nước ta đáng được ghi nhận.
PHAN HOÀNG