Là người lưu giữ và tái hiện sinh động đời sống văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là những ký ức tuổi thơ, nhà văn Lê Văn Nghĩa xứng đáng được ghi nhận là cây bút tiêu biểu viết cho thiếu nhi, bên cạnh mảng trào phúng đặc sắc từ lâu làm nên thương hiệu của “Aziz Nesin Việt Nam”…
Vào một chiều tối giữa tháng 1/2021, khi Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh lần thứ 8 vừa kết thúc, tôi đèo xe máy đưa nhà văn Lê Văn Nghĩa ra một quán quen của dân làng báo làng văn. Lê Văn Nghĩa bảo rằng giới nhà văn thời nào mỗi lần hội họp cũng đều có nhiều chuyện tiếu lâm đáng viết, và anh hy vọng năm nay nếu hết dịch, sức khỏe cho phép có thể sẽ cùng tôi về Phú Yên rong chơi một chuyến…
Nhìn lại một cách khách quan, có thể nói Lê Văn Nghĩa là một trong những “quái kiệt” của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, từ làng báo đến làng văn anh đều để lại dấu ấn riêng biệt. |
Vào năm 1991, tôi chính thức bước vào làng báo thì Lê Văn Nghĩa đã là cây bút nổi tiếng với những truyện trào phúng, phiếm luận trên Tuổi Trẻ Cười - tờ báo mà anh là người phụ trách lâu nhất và có công lớn gầy dựng thương hiệu với tư cách thư ký tòa soạn. Anh có duyên với thể loại trào phúng, viết dưới các bút danh quen thuộc: Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ, Linda Kiều, Thằng Hề…; đặc biệt là Hai Cù Nèo ký dưới các bài viết “ăn khách” khi phê phán thói hư tật xấu và những vấn đề thời sự nóng bỏng được bạn đọc quan tâm.
Thoạt nhìn, Lê Văn Nghĩa là người kỹ tính, kín tiếng, nhưng khi thân tình mới biết anh là người dễ gần, cởi mở và ẩn chứa một pho tiếu lâm. Anh sinh năm 1953 tại tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc TP Hồ Chí Minh, tham gia phong trào đấu tranh sinh viên học sinh, bị địch bắt bỏ tù ở Chí Hòa - Sài Gòn, Tân Hiệp - Biên Hòa rồi đày ra Côn Đảo, đến khi được thả thì bị “chỉ định nơi cư trú”, mặc dù cha là viên chức của chính quyền bấy giờ.
Đất nước thống nhất, Lê Văn Nghĩa thuộc thế hệ đầu tiên làm Báo Tuổi Trẻ từ năm 1975, giữ chức Phó Tổng Thư ký tòa soạn, sau đó phụ trách tờ Tuổi Trẻ Cười đến năm 2015. Vừa làm báo vừa viết báo, Lê Văn Nghĩa còn xuất bản sách thường xuyên, mà khởi đầu là tập truyện ký Vượt sóng (1986) kể lại những tháng ngày ở tù ngoài Côn Đảo. Tiếp đó anh trình làng Thằng láu cá (1989), Vua lừa (1990), Ôi bóng đá (1990), Hoa hậu phường Cây Mít (1991), Đám cưới nàng Thanh Mã (1991), Nô tế bồ (1994), Phá án sex-tour (tiểu phẩm trào phúng, 1995), Nhà mùi học (tiểu phẩm trào phúng, 2000), Bạn đời (truyện ngắn, 2002), Điệp viên Không không thấy (2003), Tùy viên giảm béo (tiểu phẩm trào phúng, 2004), Trùm cá độ (2005), Người bán nụ cười (2006), Ngôi nhà ma (tập truyện ngắn trào phúng, 2009), Tào lao xịt bộp (tuyển tập truyện trào phúng, 2010), Hạt bụi bên nhau (tập truyện rất ngắn và truyện trào phúng, 2010), Chuyện chán phèo (tuyển tập truyện trào phúng, 2011), Nếu Adam không có xương sườn (tuyển tập truyện vui cười về phụ nữ dưới con mắt của đàn ông xấu/ Lê Văn Nghĩa sưu tầm và bình, 2016).
Bước vào thập niên 2010, nhất là kể từ năm 2015 sau khi về hưu, Lê Văn Nghĩa dành nhiều thời gian đi các thư viện, đặc biệt là thư viện của chính Báo Tuổi Trẻ để đọc, ghi chép và viết. Anh tập trung vào mảng truyện mang tính hồi ức về Sài Gòn và biên khảo đời sống văn học miền Nam trước năm 1975 mà anh luôn trăn trở. Lúc này anh đã biết mình bệnh nan y, nên tranh thủ chạy đua thời gian, vượt qua đớn đau mà viết. Những tác phẩm của anh “thần tốc” ra đời: Mùa hè năm Petrus (2012), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ (2014), Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ (tạp văn 2016), Nỗi buồn đàn ông (2017), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020), Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2020), Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề (2020) và ba bản thảo đã nằm trong nhà in nhưng vì đại dịch COVID-19 nên chậm hoàn thành.
Thời niên thiếu Lê Văn Nghĩa học dưới mái trường Bình Tây, tức Trường Nguyễn Huệ ở quận 6 bây giờ và kỷ niệm thời trung học tại ngôi trường nổi tiếng Petrus Ký, nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở quận 5, được anh dựng lại thật sinh động và xúc động, lôi cuốn nhiều thế hệ bạn đọc không chỉ gắn bó với hai ngôi trường này.
Là người lưu giữ và tái hiện sinh động đời sống văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là những ký ức tuổi thơ, nhà văn Lê Văn Nghĩa xứng đáng được ghi nhận là cây bút tiêu biểu viết cho thiếu nhi, bên cạnh mảng trào phúng đặc sắc từ lâu làm nên thương hiệu của “Aziz Nesin Việt Nam”. Chuyện rằng vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, có một lãnh đạo Bộ Văn hóa sang công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ và mang theo tập truyện trào phúng của Lê Văn Nghĩa tìm gặp tặng trực tiếp cho Aziz Nesin. Nhà văn danh tiếng thế giới chuyên viết truyện châm biếm của Thổ Nhĩ Kỳ đã vui mừng đón nhận và hứa sẽ dịch để giới thiệu tập truyện của Lê Văn Nghĩa. Thế nhưng có lẽ sau đó do Aziz Nesin đột ngột qua đời năm 1995 nên ý tưởng trên không được thực hiện…
Bây giờ ở thế giới bên kia biết đâu nhà văn Lê Văn Nghĩa đã gặp và trò chuyện với bậc tiền bối Aziz Nesin. Thời điểm 22 giờ 25 đêm 25/7/2021 mà Lê Văn Nghĩa trút hơi thở cuối cùng đã trở thành nỗi đau mất mát trong lòng bạn văn, bạn đọc yêu quý anh. Và chuyến đi về Phú Yên mà anh dự định cùng tôi sẽ mãi mãi chỉ là dự định…
PHAN HOÀNG