Vang mãi giai điệu tri ân các anh hùng, liệt sĩ

Thứ ba - 27/07/2021 09:55
Chiến tranh đã lùi xa nhưng mất mát, đau thương của những năm tháng đạn bom thì vẫn còn đó. Những giai điệu, khúc ca bi tráng trong những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là món quà bằng âm nhạc đặc biệt

Chiến tranh đã lùi xa nhưng mất mát, đau thương của những năm tháng đạn bom thì vẫn còn đó. Những giai điệu, khúc ca bi tráng trong những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là món quà bằng âm nhạc đặc biệt, lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay hướng về những người anh hùng đã hy sinh máu xương, cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, dân tộc.

 

Trong thời điểm đặc biệt này, nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật phải tạm dừng để tập trung phòng chống dịch COVID-19, song các ca khúc gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng như: Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến), Đất nước, Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn), Dáng đứng Việt Nam (Nguyễn Chí Vũ), Màu hoa đỏ (Thuận Yến), Lời anh vọng mãi ngàn năm (Vũ Thanh)... luôn đi cùng năm tháng và tạo cảm xúc mạnh với nhiều người khi nghe lại.

 

1. Ngoài được ví là “người Việt viết tình ca hay nhất thế kỷ”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn để lại những tác phẩm viết về quê hương, về thân phận con người, đặc biệt là những tác phẩm nói về tình cảm gia đình, cha mẹ, trong đó có ca khúc Huyền thoại mẹ. Một ca khúc nổi tiếng của ông khắc họa hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng:

 

…Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa…

 

Đây là ca khúc được cố nhạc sĩ viết trong lần đến thăm mảnh đất lửa Quảng Bình và chính hình ảnh người mẹ Suốt “ngẩng đầu mái tóc mẹ rung, gió lay như sóng biển tung trắng bờ” (bài thơ Mẹ Suốt của Tố Hữu) đã khơi nguồn cảm xúc để ông có một tuyệt tác để đời cho đến ngày nay. Với giai điệu rất nhẹ nhàng mà sâu thẳm như lời ru của một người mẹ với đàn con yêu thương của mình, hình ảnh người mẹ của ông hiện lên bình dị mà cao cả. Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã nhận xét rằng: “Giai điệu Huyền thoại mẹ mang chất tự sự, sâu lắng, trầm hùng, tạo nên hình ảnh thiêng liêng của một bà mẹ Việt Nam - vĩ đại và lớn lao. Và điều quan trọng nhất là ông đã dựng nên một tượng đài nghệ thuật, đó là tượng đài bất tử - tượng đài về Mẹ Tổ quốc”.

 

2. Nếu như Huyền thoại mẹ là bài ca về một người mẹ Việt Nam anh hùng của dân tộc mãi mãi vang vọng trong tim bao thế hệ, thì Dáng đứng Việt Nam lại là bài ca về một thời chiến đấu oai hùng của dân tộc, bởi nó đã khắc tạc tượng đài sừng sững về anh giải phóng quân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1968, nhà thơ Lê Anh Xuân đã cho ra đời bài thơ Dáng đứng Việt Nam, khắc họa hình tượng những người chiến sĩ quân giải phóng đã hy sinh trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất trong tư thế hết sức đặc biệt: Người dựa vào xác chiếc trực thăng của địch, tay vẫn kẹp súng trong tư thế chĩa họng súng về phía trước.

 

Và hình ảnh ấy đã được nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ chắp cánh thành những lời ca và Dáng đứng Việt Nam lan tỏa rộng khắp trong trái tim những người yêu quê hương, đất nước, mang khát vọng hòa bình:

 

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ: Anh giải phóng quân ơi/ Tên anh đã thành tên đất nước/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân…

 

3. Bên cạnh những ca khúc, áng thơ ca ngợi người mẹ Việt Nam anh hùng, những tấm gương anh dũng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc trong những năm tháng chiến tranh “khói lửa đạn bom”, những sáng tác về người thương binh trở về sau chiến tranh, vượt qua những mất mát, đau thương để hòa nhập vào cuộc sống cũng là mảng đề tài gây xúc động cho người nghe. Hình tượng người lính sau khi đất nước đã thống nhất, non sông thu về một mối đã được nhạc sĩ Trần Tiến khắc họa qua ca khúc Vết chân tròn trên cát. Nhạc sĩ sinh năm 1947 này kể: Vào năm 1981, trong một lần đi dạo quanh bãi biển Tiền Hải (Thái Bình), bắt gặp những dấu nạng in hằn trên cát biển. Ông đã dò hỏi người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những nạng gỗ trên cát, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc khi trên đường đi bộ từ bãi biển trở về:

 

Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi/ Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương/ Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời/ Bài hát có đồng lúa miên man câu hò...

 

Có lẽ khó có thể kể hết những ca khúc viết về đề tài thương binh - liệt sĩ, còn rất nhiều những giai điệu bất hủ ngân vang mãi trong trái tim những người Việt Nam. Và chắc chắn, ở một đất nước, một dân tộc có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm thì những giai điệu ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, những tấm gương hy sinh thân mình vì Tổ quốc đã và sẽ mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các lớp nghệ sĩ sau này.

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp