Cổng dịch vụ công trực tuyến: Minh bạch quá trình tiếp nhận hồ sơ

Thứ sáu - 30/08/2019 06:09
Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tỉnh chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 1/2017. Qua gần 3 năm thực hiện, cơ bản đáp ứng được việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên hệ thống, giúp công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận và giải quyết dịch vụ hành chính công
Cổng dịch vụ công trực tuyến: Minh bạch quá trình tiếp nhận hồ sơ

Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tỉnh chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 1/2017. Qua gần 3 năm thực hiện, cơ bản đáp ứng được việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên hệ thống, giúp công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận và giải quyết dịch vụ hành chính công, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình nộp hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

 

Minh bạch tiếp nhận

 

Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Viettel Phú Yên cho biết: Sở TT-TT đã tổ chức tập huấn sử dụng, chuyển giao hệ thống Cổng DVCTT tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Nhiều người dân ngại tiếp cận với dịch vụ công, trong khi các doanh nghiệp rất phấn khởi với giải pháp giải quyết hồ sơ này của tỉnh.

 

Đến nay, Cổng DVCTT tỉnh đã tạo cho 141 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẵn sàng cung cấp DVCTT ở các mức độ. Trong đó: 20 sở, ban ngành; 9 UBND cấp huyện; 112 UBND xã, thị trấn. Tổng số DVCTT mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng DVCTT của tỉnh là 921 dịch vụ (khối sở, ngành 850 dịch vụ; khối huyện 63 dịch vụ; khối xã 8 dịch vụ). Tổng số thủ tục hành chính được cập nhật trên Cổng DVCTT của tỉnh đến nay là gần 2.000 thủ tục. Trong đó: khối sở, ban ngành gần 1.600 thủ tục; khối huyện, thị xã, thành phố hơn 279 thủ tục; khối xã, phường, thị trấn hơn 115 thủ tục....

Chính vì vậy, chính sách của Viettel là trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn người dân để họ hiểu biết và thực hiện, rằng chỉ với một chiếc máy tính có kết nối internet, hoặc điện thoại thông minh, mọi tổ chức, cá nhân có thể thực hiện được tất cả các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, các thao tác nộp hồ sơ trực tuyến tại DVCTT phải được thực hiện nhiều lần dưới sự chỉ dẫn thì sẽ thành thạo. Đó là những chỉ đạo của huyện khi người dân có nhu cầu nộp hồ sơ qua cổng này. Khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để người đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận với dịch vụ này, vì hiện nay cơ sở vật chất các xã còn nhiều khó khăn, người dân không muốn thay đổi thói quen...

 

Bà Nguyễn Thị Hà Lành ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Lúc đầu sử dụng DVCTT cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng khi được hướng dẫn, thực hành vài thao tác là tôi nhớ ngay. Có DVCTT vừa dễ sử dụng, vừa tiết kiệm thì còn gì bằng. Tôi thấy ai từng sử dụng đều hài lòng.

 

Tiếp tục hoàn thiện

 

Theo ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT, Cổng DVCTT của tỉnh (http://congdichvucong.phuyen.gov.vn) đã hoạt động ổn định trên internet, nhiều đơn vị đã sử dụng tốt và đang tiếp tục hoàn thiện. Theo đó cơ bản đáp ứng việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên hệ thống, giúp công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình nộp hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí.

 

Cổng đã tích hợp DVCTT của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung; tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu Bưu điện Việt Nam; tích hợp chức năng thanh toán điện tử với VietinBank để các tổ chức, cá nhân có thể thanh toán lệ phí trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính; tích hợp chữ ký số để thực hiện cấp phép trực tuyến - DVCTT mức độ 4.

 

Tuy nhiên, mức độ sử dụng của các đơn vị, mức độ công khai minh bạch thông tin về tiến độ xử lý hồ sơ vẫn chưa đầy đủ, và số lượng hồ sơ nộp trực tuyến vẫn chưa nhiều. Kết quả, việc sử dụng DVCTT thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bao gồm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như: sự chủ động, tích cực của cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng DVCTT, mức độ sẵn sàng của các cơ quan, đơn vị; người dân và doanh nghiệp chưa có thói quen dùng cổng dịch vụ công...

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, để đẩy mạnh đáng kể việc sử dụng DVCTT, Sở TT-TT cần tiếp tục phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tham mưu xây dựng dự thảo kế hoạch đẩy mạnh sử dụng DVCTT hàng năm; cần có cách thức thực hiện và lộ trình thực hiện, trong đó phân rõ trách nhiệm và mục tiêu cần đạt được. Việc triển khai DVCTT thành công cần được gắn với công tác cải cách hành chính và đặc biệt là gắn với một cửa, một cửa điện tử.

 

Vì vậy cần liên tục chuẩn hóa, công khai dịch vụ công mức 2. Tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh phải được chuẩn hóa, công khai trên Cổng DVCTT. Đồng thời triển khai mạnh mẽ các hệ thống một cửa điện tử để đảm bảo công khai, minh bạch tiến độ xử lý hồ sơ công việc; đẩy mạnh việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công mức 3 và mức 4 trên Cổng DVCTT.

 

Phương án triển khai là sẽ làm dần dần, lựa chọn các dịch vụ công dễ triển khai, số lượng hồ sơ nhiều, có thể giảm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp, dịch vụ công liên thông nhiều đơn vị (giảm thời gian luân chuyển hồ sơ) làm trước.

  

PHẠM THÙY

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp