Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) sẽ tạo môi trường làm việc liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp; tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ cho người dân. Đây được xem là bước đột phá trong cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn để phát triển đồng bộ, hoàn thiện.
Theo Sở TT-TT, tình hình triển khai CQĐT tỉnh những năm gần đây có bước đổi mới, phát triển; nhận thức, quyết tâm hành động, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức của tỉnh được nâng lên; nhiều người đứng đầu đã tiên phong, gương mẫu, cải cách lề lối làm việc, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan, đơn vị mình.
Tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử
Thời gian qua, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước; tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử; đẩy mạnh sử dụng chữ ký số; trao đổi thông tin qua thư điện tử công vụ; tăng cường giám sát an toàn, an ninh thông tin đảm bảo toàn hệ thống hoạt động ổn định. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; 100% cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành; trục liên thông văn bản của tỉnh kết nối thông suốt hệ thống triển khai các cấp của tỉnh và hệ thống quốc gia.
Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Tỷ Khánh cho biết: Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm và phát triển đồng bộ. Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đang sử dụng rộng rãi các phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành. Đa số các sở, ban ngành và địa phương có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử hoạt động ổn định, phục vụ cung cấp, công khai thông tin chỉ đạo điều hành. Việc đảm bảo an toàn thông tin tại trung tâm dữ liệu do Sở TT-TT đảm bảo, chưa xảy ra sự cố mất an toàn thông tin. Những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả, thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết công việc chuyên môn hàng ngày tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) Nguyễn Trãi, hiện tất cả văn bản đến, đi của xã đều được chuyển qua mạng. Mỗi ngày cán bộ, công chức phải truy cập để xem mà thực hiện. Xã cũng đang áp dụng một số phần mềm về hộ tịch, quản lý lao động, dân số… để cùng với tỉnh phát triển CQĐT, giúp cán bộ, công chức làm việc hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho người dân.
Còn ông Bùi Tấn Khang (xã An Dân, huyện Tuy An) chia sẻ: “Bây giờ tham gia giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn nhiều so với những năm trước. Hiện tại, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, không được tập trung đông người nên người dân phải làm hồ sơ tại nhà. Còn bình thường, chúng tôi đến bộ phận một cửa của huyện, bấm số thứ tự và chờ đến lượt thực hiện thủ tục, không chen lấn gì cả, rất hiện đại”.
Vẫn còn tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng CQĐT của tỉnh hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức trong thực hiện nhiệm vụ triển khai CQĐT tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình và chưa xem đây là việc then chốt góp phần CCHC; chưa có cơ chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ gắn với thực hiện CQĐT và CCHC để khen thưởng kịp thời, xử lý thay thế cán bộ, công chức, viên chức làm việc không hiệu quả. Bên cạnh đó, các ứng dụng triển khai như: cổng dịch vụ công, trục liên thông, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cổng thông tin điện tử tỉnh còn tồn tại, hạn chế về mặt chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định hiện hành; ứng dụng CNTT của tỉnh còn thiếu đồng bộ, rời rạc, chưa gắn kết theo khung kiến trúc tổng thể; còn thiếu công cụ đo lường kết quả thực hiện CQĐT để đánh giá, cải tiến, chỉ đạo, điều hành; chưa bố trí nhân sự chuyên trách CNTT đảm bảo để tham mưu đơn vị, địa phương triển khai CQĐT, nhất là cấp huyện.
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Đức Thơ cho biết: Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tỉ lệ thấp; nhiều cơ quan chưa thực hiện việc ký số cá nhân văn bản điện tử, chưa thực hiện chữ ký điện tử để phê duyệt kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn ít, riêng lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, tra cứu, thống kê, phân tích, đánh giá để định hướng phát triển...
Theo ông Lê Tỷ Khánh, những tồn tại, hạn chế trên có rất nhiều nguyên nhân và Sở TT-TT cũng đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo xây dựng CQĐT; đề án Chuyển đổi số và thực hiện số hóa dữ liệu chuyên ngành; triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT, xử lý văn bản, hồ sơ hoàn toàn điện tử tiến tới văn phòng không giấy tờ phục vụ quản lý điều hành...
Xây dựng CQĐT là bước đột phá quan trọng trong CCHC, song việc xây dựng CQĐT khiến nhiều địa phương e dè, bởi tại Việt Nam, việc triển xây dựng CQĐT mới ở giai đoạn đầu, những kinh nghiệm thành công chưa mang tính tổng thể. Khi hệ thống được triển khai sẽ đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, các địa phương cần thay đổi thói quen làm việc từ thủ công sang hiện đại để cùng nhau xây dựng Chính phủ điện tử hoàn thiện.
Bộ trưởng TT- TT Nguyễn Mạnh Hùng |
PHẠM THÙY